Máy khử rung tim ngoài là gì?
Máy khử rung tim ngoài được đánh giá có vai trò rất quan trọng giúp cứu sống cầu thủ Christian Eriksen.
Khi Christian Eriksen đổ gục trên sân cuối hiệp 1 trận mở màn Euro 2020 của Đan Mạch, trọng tài Anthony Taylor đã dừng trận đấu chỉ sau vài giây và gọi nhân viên y tế.
Cầu thủ này đã được hô hấp nhân tạo thành công, và nhịp tim trở lại bình thường ngay trên sân. Bác sĩ Sam Mohiddin, người từng điều trị trường hợp tương tự của Fabrice Muamba năm 2012 đánh giá đây là yếu tố giúp cứu mạng sống của Eriksen.
Máy khử rung tim ngoài thường được đặt trong những hộp nhỏ gọn để tiện vận chuyển. (Ảnh: Ok Foundation).
Cỗ máy mà các bác sĩ đã sử dụng để hỗ trợ tim cho Eriksen được gọi là máy khử rung tim ngoài hay AED. Máy khử rung tim hoạt động bằng cách truyền một luồng điện mạnh đến tim, nhằm điều chỉnh lại nhịp tim đang không đều, quá chậm hoặc quá nhanh.
Máy khử rung tim cũng có thể sử dụng để kích tim đập trở lại, trong trường hợp tim bệnh nhân vừa ngừng đập. Khi tim đã ngừng đập, nhân viên cấp cứu chỉ có khoảng 10 phút để kích tim trở lại nếu muốn cứu sống người bệnh.
"Nếu cậu ấy không thoát khỏi cơn ngừng tim, mọi thứ chấm dứt. Thời điểm tim vừa ngừng đập là lúc nguy cấp nhất. Người xung quanh phải nhanh chóng nhận thấy chuyện gì đã xảy ra, rồi giải quyết ngay lập tức bằng hô hấp nhân tạo, sử dụng máy khử rung tim", bác sĩ Sam Mohiddin nhận định.
Minh họa cách sử dụng AED. (Ảnh: AHA Journal).
Trong các tình huống cần cấp cứu bên ngoài bệnh viện, AED được sử dụng. Thiết bị này được thiết kế rất gọn như một chiếc cặp nhỏ, tiện mang theo. Cách sử dụng AED cũng rất đơn giản. Các miếng điện cực được gắn vào ngực bệnh nhân để đo nhịp tim. Máy tính sẽ phân tích nhịp tim, và nếu nhận thấy bất thường sẽ báo âm thanh.
Người cấp cứu lúc này chỉ cần nhấn vào nút trên máy, điện sẽ được truyền qua hai điện cực để kích tim bệnh nhân. Với thiết bị này, cả những người chưa được đào tạo về y học cũng có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Theo Viện Sức khoẻ Quốc gia Mỹ (NIH), AED có thể sử dụng cho người lớn và trẻ em từ một tuổi. Tùy vào mục đích, miếng điện cực có thể được thiết kế nhỏ hơn để dễ dùng hơn với trẻ em.
Do đây là thiết bị rất quan trọng trong cấp cứu, nhưng cũng dễ sử dụng, máy AED thường được trang bị tại những nơi có đông người như trung tâm thương mại, phòng tập thể thao, sân bay, trường học.
Theo Mayo Clinic, những người có nguy cơ cao về tim mạch cũng nên cân nhắc trang bị AED tại nhà. Thiết bị này có giá trên 1.000 USD, tùy thuộc vào hãng sản xuất.
- "Nuốt lưỡi" khi va chạm mạnh nguy hiểm thế nào?
- Vì sao người mắc bệnh tim không nên chơi thể thao quá sức?
- Tại sao rái cá biển nắm tay nhau khi ngủ?