Miền trung chìm trong mưa lũ
Sáng 8/11, lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam đã vượt mức báo động nguy hiểm nhất tới một mét. Hơn 6.000 nhà dân ven sông bị ngập sâu, có nơi đến nóc nhà. Mưa lũ đã làm 10 người chết và mất tích.
Thừa Thiên - Huế hứng mưa nhiều nhất. 3 ngày qua, hàng loạt điểm lượng mưa tới trên 500 mm, như Thượng Nhất 770mm, Nam Đông 850mm. Lượng mưa bằng cả tháng cộng lại đã đẩy lũ sông lên cao, như tại Kim Long trên sông Hương vượt báo động 3 (mức nguy hiểm nhất) trên 60cm; tại Ái Nghĩa trên sông Vu Gia vượt báo động 3 một mét.
Hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 ngôi nhà ở các huyện Hương Trà, Quảng Điền và thành phố Huế ngập sâu, có nơi ngập tới nóc nhà. Các tỉnh lộ như TL4, TL8A, 8B, TL17... bị ngập sâu tới một mét khiến nhiều xã của huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà bị cô lập hoàn toàn. Điện lưới bị cắt, nhà lại ngập sâu, lương thực, thực phẩm thiếu thốn khiến hàng chục nghìn dân đang gặp khó khăn.
Nhiều khu vực ở Huế bị ngập sâu. (Ảnh: Văn Đông)
Ngày 7/11, tại vị trí cách cầu số 1 ở xã Hương Hòa, thị xã Hương Thủy có một xà lan dài 30m khai thác cát phục vụ thi công hồ chứa nước Tả Trạch bị trôi dạt, lật úp gây nguy hiểm cho công trình. Tả Trạch là hồ chứa nước lớn thứ hai bắc miền Trung, có dung tích hơn 509 triệu mét khối. Ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh đến hiện trường chỉ đạo lực lượng công binh đục thông khí ở các khoang đáy, đánh chìm và neo đậu xà lan để bảo vệ công trình hồ.
Tại Quảng Nam, các huyện vùng thấp như Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, thành phố Hội An bị ngập sâu. Đường ĐT 611 Quế Sơn - Nông Sơn ngập gần 2m. Nước lũ băng qua ngầm sông Trường làm tuyến đường độc đạo lên 5 xã vùng cao của huyện Bắc Trà My và về huyện Nam Trà My bị chia cắt hoàn toàn từ nhiều ngày nay.
Ông Huỳnh Tấn Triều, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện đã di dời khẩn cấp 1.200 hộ với hơn 6.000 người dân ở các xã Quế Ninh, Quế Trung, Quế Lộc, Phước Ninh, Quế Lâm… ra khỏi những nơi nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến trụ sở UBND xã, trường học.
Tại huyện Đại Lộc, chiều tối qua, nước lũ trên sông Vu Gia đã vượt mức báo động 3 gây tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn. UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo các địa phương và lực lượng tại chỗ sơ tán khoảng 1.000 hộ với 5.000 nhân khẩu ở những vùng trũng thấp đến nơi an toàn trước tối 7/11.
Đứng tại điểm tràn xả lũ hồ chứa nước Liệt Sơn, nhiều
người dân không khỏi lo lắng lũ nhấn chìm nhà cửa, tài sản. (Ảnh: Trí Tín)
Tại Quảng Ngãi, do mưa lớn kéo dài suốt ba ngày nên nước từ thượng nguồn đổ dồn về khiến hồ chứa nước Liệt Sơn, huyện Đức Phổ vượt cao trình 0,7m, lượng nước tăng thêm 2 triệu mét khối so với dung tích thiết kế. Công ty khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã xả lũ hồ với cường độ 294 mét khối trên giây bắt đầu từ 14h chiều 7/11.
Huyện Đức Phổ đã phát đi thông báo cho người dân các xã Phổ Hòa, Phổ Minh, Phổ Vinh sẵn sàng ứng phó. Trước thông tin này, ông Trần Khanh ở xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ lo lắng nói: "Nghe chính quyền thông báo xả lũ hồ chứa nước Liệt Sơn, gia đình tôi vội kê dọn vật dụng lên cao, đưa những bao lúa lên gác lỡ của ngôi nhà. Cả nhà gom đồ đạc chuẩn bị di dời để tránh lũ".
Mưa lũ lớn cũng khiến 30 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mậu Văn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho biết, trong 115 hồ chứa, hiện có 30 hồ với tổng dung tích hơn 50 triệu mét khối ở các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ... được xây dựng từ những năm 1980 đang xuống cấp nghiêm trọng.
"Khi mưa lũ lớn, các hồ treo lơ lửng trên cao từ 10 đến 20 m rất nguy hiểm cho hàng trăm nghìn người dân sống ở những khu vực dưới chân hồ", ông Văn nói.

Vì sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?
Khí hậu nước ta rất độc đáo: khí hậu nóng nhưng không khô hạn như Tây Nam Á, Bắc Phi. Nóng ẩm nhưng không nóng ẩm quanh năm như các quần đảo ở Đông Nam Á.

6 hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ có vào mùa đông
Sấm tuyết, hoa sương đá, sương băng cứng... là những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đến không ngờ.

Ngày xưa ông cha ta tránh bão như thế nào?
Do không có phương tiện dự báo thời tiết nên cha ông ta nhận biết dấu hiệu của bão bằng cách quan sát tự nhiên.

7 điều ít biết về cầu vồng
Hai người cùng quan sát không thể nhìn thấy sắc màu giống nhau từ cùng một chiếc cầu vồng hay có thể dùng kính phân cực để làm "cầu vồng" biến mất, là hai trong số nhiều điều thú vị về hiện tượng thiên nhiên đẹp mắt này.

Lý giải hiện tượng cầu vồng trắng
Cầu vồng trắng được tạo ra khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào những giọt nước nhỏ trong lớp sương mù ở góc độ phù hợp.

Ol Doinyo Lengai - Ngọn núi lửa độc đáo nhất thế giới
Không có những đợt phun trào đỏ ngầu dung nham, ngọn núi lửa Ol Doinyo Lengai ở châu Phi lại tuôn trào dòng nham thạch đen ấn tượng.
