Miền Trung: Nhiều tàu thuyền gặp nạn, mắc kẹt trên biển
3 chiếc tàu lớn đã bị gặp nạn tại một bãi đá thuộc cảng Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), 43 thủy thủ trên 3 tàu này đang mắc kẹt trên biển.
Không thể đưa tàu vào bờ
Theo tin từ Bộ đội Biên phòng Đồn cảng Vũng Áng thì tàu Vinashin - Inco 27 có trọng tải 4.000 tấn chở 3.330 tấn phôi thép từ Malaysia về cảng Hải Phòng, trên tàu có 20 thủy thủ người Việt Nam.
Tàu Vinashin - Inco 27 bị mắc kẹt tại bãi đá thuộc cảng Vũng Áng xã Kỳ Lợ, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). (Ảnh: Hà Vy) |
Tàu Vinanshin nhập cảnh vào cảng Vũng Áng ngày 15/9 để sửa chữa vì bị hỏng hộp số. Dự kiến tàu sẽ rời cảng ngày 27/9, tuy nhiên đến phút cuối sự cố hỏng máy vẫn không được khắc phục.
Do gió và mưa lớn đến một cách khá bất ngờ, các thủy thủ không kịp vào bờ tránh bão nên mắc kẹt lại trên tàu và phát tín hiệu cấp cứu.
Bộ đội Biên phòng Đồn Vũng Áng cùng người dân xã Kỳ Lợi đang kéo dây nối từ tàu với đất liền để các thủy thủ có cách vào bờ. (Ảnh: Hà Vy) |
Ngay sau khi nhận được tin báo, Bộ đội Biên phòng Đồn cảng Vũng Áng đã huy động toàn bộ lực lượng kết với người dân xóm Hải Phong, xã Kỳ Lợi triển khai phương án ứng cứu.
Do sóng to gió giật mạnh, các phương tiện không thể tiếp cận với các tàu gặp nạn nên phương án cứu nạn là kéo dây nối từ tàu vào bờ để các thủy thủ bám vào dây bơi vào bờ.
Trung tá Hoàng Việt Dũng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cảng Vũng Áng cho biết: “Hiện gió đã bắt đầu giật mạnh trên cấp 7, nước biển lên nhanh nên việc đưa tàu vào bờ là điều không thể. Bây giờ chúng tôi đang tìm mọi cách đưa các thủy thủ vào bờ trước khi quá muộn”.
Được biết, ngoài tàu Vinashin - Inco 27 hiện ở cảng Vũng Áng vẫn còn 2 tàu khác là tàu Hải Xuân 169 có trọng tải 1.973 tấn cùng 15 thủy thủ và tàu Thuận Phước 09 có trọng tải 2.475 tấn với 8 thủy thủ.
Ngoài tàu Vinashin - Inco 27 thì hiện ở cảng Vũng Áng còn có hai tàu và 23 thủy thủ mắc kẹt trên biển. (Ảnh: Hà Vy) |
Cả hai tàu này đều chở than từ cảng Cẩm Phả vào cảng Đà Nẵng và Long An và bị mắc kẹt tại cảng Vũng Áng ngày 27/9. Đến chiều 28/9, 43 thủy thủ vẫn chưa được đưa lên bờ.
Quảng Nam: Tàu thuyền tiếp tục chạy bão
Ngày 28/9, tại cuộc họp khẩn cấp tại xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên với lãnh đạo của hai huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu yêu cầu hai huyện này khẩn trương di chuyển dân ngay trong đêm và sáng mai tại các xã vùng ven biển vào sâu trong đất liền, cách bờ biển ít nhất 500m để đề phòng nước biển dâng cao.
Người dân vùng ven biển đội mưa chạy bão. |
Tại âu thuyền Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên hơn 800 phương tiện đang neo đậu tránh bão cũng được lệnh sơ tán khẩn cấp trong buổi chiều ngày 28/9.
Toàn bộ tàu thuyền đang trú tại âu thuyền Hồng Triều đã phải tiếp tục chạy tránh bão vào sông Trường Giang. Toàn bộ các tàu thuyền trên được di chuyển dọc theo sông Trường Giang vào sâu trong đất liền, cách âu thuyền Hồng Triều hơn 10km.
Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Phan Thăng An cho biết, các phương án di chuyển dân di được sẵn sàng. Tuy nhiên, việc di chuyển dân phải chờ đến sáng ngày mai mới có thể thực hiện hoàn tất bởi số lượng di chuyển quá lớn.
Quảng Ngãi: Còn chủ quan trong đối phó bão
Sáng 28/9, một cơn lốc mạnh đã làm 4 tàu cá của ngư dân tại thôn Định Tân (Bình Châu, Bình Sơn) đang neo đậu tại Cảng Sa Kỳ bị chìm và mất tích.
Tàu cá của ông Võ Văn Đô bị vỡ toác, chỉ còn lại vài mảnh gỗ. (Ảnh: Trà Giang) |
Sau khi tàu chìm, ngư dân trong thôn đã tiến hành trục vớt được 3 tàu. Các tàu đều bị hư hỏng hoàn toàn do va đập mạnh, trong đó tàu của ông Võ Văn Đô bị vỡ toác, chỉ còn lại vài mảnh gỗ. Riêng tàu ông Lê Thanh Thọ trôi dạt không tìm thấy.
Ngay trong chiều tối 28/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc họp khẩn để triển khai phương án phòng chống cơn bão số 9.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh, tính đến 17 giờ chiều 28/9, toàn tỉnh hiện còn 721 tàu thuyền với 6.900 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9 có 28 tàu thuyền với 347 ngư dân. Đến nay đã có 5 tàu chạy về đất liền, 6 tàu di chuyển theo hướng đông bắc Hoàng Sa, 17 tàu đã vào trú bão tại đảo Trụ Cẩu, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ngư dân Quãng Ngãi đang neo tàu trú bão. (Ảnh: Trà Giang) |
Riêng tàu QNg 66085 của ông Dương Quyên (mất liên lạc) đã vào cảng Quy Nhơn an toàn. Tàu QNg 96307 của ông Nguyễn Văn Lộc ở huyện đảo Lý Sơn trên đường chạy về đảo Lý Sơn thì bị mất liên lạc từ 17 giờ ngày 27/9.
Theo đại tá Ngô Duy Mười - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh thì tại bãi ngang thôn Phước Thiện hiện có 31 phương tiện đang neo đậu, tuy nhiên do sóng quá lớn nên 31 phương tiện này không thể vào trú tại được, khả năng 31 tàu này sẽ bị sóng biển đánh chìm. Chính vì vậy, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cũng kiến nghị địa phương tuyệt đối không cho ngư dân ra đưa tàu vào, vì sẽ rất nguy hiểm, thà mất tài sản chứ không thể để mất con người.
Đến 18 giờ chiều 28/9, tại huyện đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 7 cấp 8, giật trên cấp 9, cấp 10 biển động rất mạnh. Hiện có 5 phương tiện đang chạy về đảo Lý Sơn nhưng do sóng lớn nên chưa cập đảo được.
Sau khi đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão ở một số địa phương, ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng công tác phòng chống lụt bão ở cơ sở còn nhiều chủ quan, chưa chủ động triển khai các phương án đối phó.
Ông Nhi chỉ đạo họp, các địa phương có dân cư nằm trong vùng ảnh hưởng phải khẩn trương di đời dân trước 12 giờ ngày 29/9. Địa phương nào để xảy ra thiệt hại do chủ quan thì chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
BCĐ tiền phương phòng chống bão số 9 đi vào hoạt động
Ông Văn Phú Chính, Giám đốc Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) miền Trung – Tây Nguyên cho hay, từ chiều 28/9, Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống cơn bão số 9 tại khu vực miền Trung đã đi vào hoạt động tại Đà Nẵng, với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học.
Ngày 28/9, hầu hết tàu thuyền nhỏ đã được ngư dân Đà Nẵng khẩn trương đưa lên bờ để tránh bão số 9. (Ảnh: HC) |
Ngay trong chiều 28/9, Thứ trưởng Đào Xuân Học đã làm việc với Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, kiểm tra các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho Ban chỉ đạo tiền phương hoạt động có hiệu quả, đồng thời đi thị sát thực tế tại một số địa bàn ở Đà Nẵng. Sau khi kiểm tra tình hình tại Quảng Trị và Huế, từ ngày mai 29/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ có mặt tại Đà Nẵng để trực tiếp điều hành Ban chỉ đạo tiền phương.
Lãnh đạo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên nhận định, do bão số 9 sẽ tác động trực tiếp khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam và ảnh hưởng từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi nên công tác sơ tán dân cần đặc biệt làm sớm và quyết liệt đối với các vùng bãi ngang, vùng trũng, thấp, ven sông, ven suối, các hộ nhà yếu ở đô thị và nông thôn, người trên tàu thuyền, các nhà lồng bè...
Ước tính có khoảng 100.000 hộ dân trong khu vực sẽ được di dời đến hết ngày hôm qua đến khu vực an toàn.
Vấn đề đáng lo nhất hiện nay là bão số 9 càng tiến vào bờ càng mạnh. Trong khi đó, do mưa lớn liên tục trong hơn một ngày qua đã khiến trên hầu hết các sông từ Quảng Trị đến Bình Định đang lên nhanh.
5 căn hộ liền kề của các phụ nữ đơn thân ở phường Hoà Minh đã bị gió bão thổi tốc mái sáng 28/9 |
“Hơn 670 tàu thuyền của ngư dân TP đã vào trú bão tại âu thuyền Thọ Quang. 35 tàu với gần 360 lao động còn lại đã vào đến các tỉnh miền Trung. 2 tàu đánh cá ĐNa 90051, ĐNa 90082 cùng 20 ngư dân bị chết máy cách Đà Nẵng 20 hải lý cũng được BĐBP TP ứng cứu đưa vào bờ an toàn. Hiện 120 cán bộ, chiến sĩ với các thiết bị hỗ trợ cần thiết đã tỏa xuống các địa bàn biên phòng khảo sát, kiểm tra tình hình nhà cửa, công trình, giúp dân chằng chống, thu dọn chướng ngại vật, đề phòng mọi tình huống nguy hiểm khi bão đổ bộ vào đất liền” - Đại tá Mai Quốc Bình, Phó chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng cho biết.
Mưa to kèm theo gió giật từ đêm 27/9 đã khiến tàu chở hàng Đông Hải 116 mắc cạn gần cảng X50; tàu Thành An 27 cũng gặp nạn tương tự tại kè chắn sóng cảng Tiên Sa. Hiện tàu Thành An 27 đã được cứu nạn, còn tàu Đông Hải 116 vẫn chưa được giải phóng khỏi hiện trường. Đặc biệt, do không tuân thủ lệnh di chuyển tàu thuyền về âu thuyền Thọ Quang nên đã có 2 tàu cá của ngư dân neo đậu trên sông Hàn bị sóng đánh vỡ chiều 28/9.
Lúc 13h chiều 29/9, anh Nguyễn Đăng Sanh B (sinh năm 1989, trú tổ 16 phường Hoà Thọ Tây, Cẩm Lệ) trong lúc trèo lên gia cố mái tôn phòng chống bão đã bị điện giật chết. Ngoài ra, còn có thông tin về 2 trường hợp thiệt mạng khác xảy ra tại Công viên 29/3 và quận Liên Chiểu, đang được ngành chức năng xác minh cụ thể.
Quảng Trị: Tìm nơi kiên cố trú ẩn
Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Tỉnh Quảng Trị đang thực hiện sơ tán khẩn cấp hơn 2.600 hộ dân với trên 11.000 người trên địa bàn toàn tỉnh đến nơi an toàn để tránh bão. Hiện nay, nơi được đặc biệt chú trọng là các huyện ven biển như: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cồn Cỏ”.
Những đối tượng được ưu tiên sơ tán là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người ốm đau bệnh tật đang sống trong những nhà tạm bợ. Nơi di chuyển đến là những ngôi nhà vững chãi và cách xa bờ biển hơn hoặc những nhà cao tầng kiên cố vốn là địa điểm làm việc của các cơ quan nhà nước…
Cùng với di dời dân cư, những tài sản có giá trị cũng kịp thời được mang ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của cải do bão gây ra.
“Trong lúc này, chúng tôi huy động lực lượng toàn dân cùng tham gia chung sức phòng chống bão số 9. Việc di dời này sẽ kết thúc vào tối 28/9, đề phòng bão đổ bộ sớm hơn dự tính”, ông Bài nói.
Tính đến 17h chiều ngày 28/9, đã có 2.177 tàu thuyền của Quảng Trị vào nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, có 8 chiếc trú ngoài cửa biển, cửa sông. Toàn bộ 52 thuyền viên trên 8 chiếc thuyền này đã về nơi an toàn.
“Chúng tôi đã liên lạc được với toàn bộ số ngư dân, tàu thuyền thuộc địa bàn của tỉnh mình, đã thông báo và có hướng dẫn đầy đủ”, ông Bài cho biết.