Mưa đá ở TP HCM phá vỡ quy luật thông thường

"Ngành khí tượng chưa bao giờ ghi nhận mưa đá tại TP HCM vào tháng 8", ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ cho biết.

Vào tối 22/8, mưa đá có viên lớn bằng 3 ngón tay, rơi xuống nhiều nơi ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Không chỉ mưa đá, dông lốc, vòi rồng còn xuất hiện ở Bến Tre, ông Quyết xác nhận và cho biết: "đây cũng là hiện tượng khá hiếm đối với khu vực Nam Bộ. Những hiện tượng bất thường do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết, thủy văn cực đoan diễn ra thường xuyên hơn, phức tạp hơn, phá vỡ nhưng quy luật thông thường", ông Quyết lý giải.


Mưa đá rơi xuống đường ở TP Thủ Đức. (Video: Độc giả cung cấp).

Ông cho biết, trận mưa đá là do áp cao cận nhiệt đới lấn Tây, đẩy lượng ẩm lớn từ biển về phía đất liền, trong khi áp cao cận cũng tạo thời tiết nắng nhiều, nhiệt độ không khí cao. Với điều kiện nhiệt ẩm cao, không khí có sự bất ổn định lớn, xáo trộn rất mạnh, dòng không khí chuyển động đi lên (dòng thăng) đưa khối mây nóng ẩm lên rất cao, vượt qua tầng đối lưu. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, đến 0 độ C thì hơi nước bị ngưng kết (đóng băng), khi hạt đủ lớn, thắng được lực trọng trường thì rơi xuống đất, gọi là mưa đá.

"Hiện tượng mưa đá hôm 22/8 khá bất thường. Mưa đá chỉ xảy ra ở Nam Bộ vào thời điểm đầu và cuối mùa mưa (tháng 5, tháng 6 và cuối tháng 10", ông Quyết nói. Hàng năm tại Nam Bộ cũng thỉnh thoảng có mưa đá xảy ra ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An... Gần đây nhất là ngày 19/7 ở Tân Bình có mưa đá nhưng thời gian ngắn, kích thước hạt nhỏ.


Mưa đá xảy ra ở TP HCM chiều tối 22/8. (Ảnh: Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ)

Thời điểm cuối tháng 8, sang tháng 9,10 là cao điểm mùa mưa ở Nam Bộ. Phó Trưởng phòng Dự báo cho biết, số liệu dự báo cho thấy sẽ xuất hiện những trận mưa có lượng lên tới hàng trăm mm trong vài giờ. Mưa lớn gây ngập lụt đô thị, kèm dông, lốc xuất hiện nhiều hơn. Thời điểm tháng 10, 11 khi bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động xuống vĩ độ thấp, hoàn lưu ảnh hưởng xuống cả các tỉnh phía Nam. Thời điểm cuối năm, gió chuyển hướng (gió Tây Nam giảm và thay thế bằng trường gió Đông Bắc), những thay đổi này thường gây nên các hiện tượng dông, lốc, gió giật.

Trong khi đó việc dự báo chính xác mưa đá và khu vực xảy ra mưa đá trước một khoảng thời gian "là rất khó", ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết. Cơ quan Khí tượng Thủy văn mới chỉ có thể dựa vào sự phát triển của các đám mây dông để cảnh báo trước 1- 2 giờ trước khi mưa đá xảy ra.

Theo PGS.TS Phạm Đức Thi, nguyên Trưởng phòng Dự báo Hạn vừa và Dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Nơi không bao giờ có tuyết như Nghệ An, Hà Tĩnh mấy năm gần đây tuyết phủ trắng. Những kỷ lục nắng nóng liên tục được xác lập, nhiệt độ năm sau cao hơn năm trước. "Trên thế giới, biến đổi khí hậu hoành hành, có những vùng nóng khủng khiếp, có nơi lại lạnh kỷ lục. Hiện tượng mưa đá bất thường ở TP HCM cũng không nằm ngoài quy luật đó", ông Thi nói.

"Chúng ta phải chuẩn bị những kịch bản xấu nhất để ứng phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan", ông Thi nói và cho biết, các hiện tượng bất thường đã xảy ra, chúng sẽ còn lặp lại.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất