Mùa đông ngày càng lạnh, phải chăng nghịch lý?
Châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi ở châu Á đang trải qua một mùa đông khắc nghiêt, với nhiệt độ xuống thấp đến mức kỷ lục, băng tuyết làm giao thông đình trệ. Theo các nhà khoa học, những mùa đông như vậy sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai do hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Hai hiện tượng xem như mâu thuẫn nhau ấy được các nhà khoa học giải thích như thế nào?
Thế giới chìm trong băng tuyết và giá lạnh
Mùa đông sẽ ngày càng lạnh hơn. (Ảnh: Internet)
Năm nay, người dân nhiều bang bờ đông nước Mỹ phải đón lễ Giáng sinh và năm mới trong nhà. Tại New York, tuyết dày gần 50cm khiến các sân bay đóng cửa, hơn 2.000 chuyến bay bị hủy. Các bang Masachusetts, Maine, Maryland, New Jersey,… được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Hai bang miền nam Georgia và nam Carolina đón Giáng sinh có tuyết đầu tiên trong vòng 1 thế kỷ qua.
Trước đó, lạnh giá và bão tuyết đã càn quyết qua châu Âu và nhiều nước Bắc Á. Sân bay Charles de Gaulle của Pháp những ngày trước và trong lễ Giáng sinh trông hệ như một trại lính với hàng trăm giường xếp và chăn được phát cho những người nhỡ chuyến bay ngủ lại.
Giao thông tại Bỉ, Đức, Anh, Italia gián đoạn cục bộ ở nhiều nơi do tuyết. Tại Nga, hơn 400 nghìn người sống quanh Matcow phải chịu cảnh mất điện nhiều giờ do băng giá. Còn ở khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, tuyết đã xuất hiện sớm hơn khoảng 40 ngày so với thường lệ và rơi dày nhất trong 30 năm qua, khiến cuộc sống của hàng chục nghìn người bị đảo lộn. Ở nhiều nơi, tuyết rơi dày đến hơn 1 mét.
Mâu thuẫn với hiện tượng ấm lên toàn cầu?
Không, không có gì là mâu thuẫn, là nghịch lý. Dù rằng những mùa đông băng giá như trên có thể còn nhiều gấp 3 lần trong tương lai không xa.
Những gì đang xảy ra ở châu Âu, Bắc Mỹ và Bắc Á được nhiều phương tiện truyền thông mô tả bằng từ “bất thường”. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Tác động của Khí hậu Potsdam (Đức) thì những mùa đông khắc nghiệt sẽ sớm trở thành bình thường trong tương lai. Và nguyên nhân là một hiện tượng mà mới nghe có vẻ rất mâu thuẫn. Đó là sự ấm lên toàn cầu.
Nhiệt độ Trái đất đang tăng lên và đến năm 2100 sẽ cao hơn hiện nay khoảng 5-6 độ C. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thời tiết quanh năm ở mọi nơi trên thế giới sẽ ấm áp hơn. Trái lại, nó có thể làm tăng gấp 3 lần nguy cơ mùa đông băng giá ở châu Âu và các nước Bắc Á.
Giải thích về vấn đề này, tiến sĩ Stefan Rahmtorf, một chuyên gia tại Potsdam cho biết, nhiệt độ tăng nhanh ở Bắc Cực (với tốc độ gấp 2-3 lần so với với mức tăng trung bình toàn cầu) đã khiến lớp băng ở đây mỏng đi 20% trong 3 thập kỷ qua. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, đến năm 2100, băng ở nhiều vùng thuộc Bắc Cực có thể tan chảy hoàn toàn trong mùa hè.
Băng tan, vùng biển Bắc Cực mất đi lớp che phủ quý giá, nên lượng bức xạ Mặt trời mà nước biển hấp thụ sẽ cao hơn. Lượng nhiệt này khiến nước biển ngày càng ấm lên. Vào mùa đông, nhiệt độ của nước biển có thể là 0 độ C, ấm hơn nhiều so với lớp không khí phía trên. Kết quả của quá trình biến đổi này là một hệ thống áp cao mạnh hình thành bên trên các vùng biển mới lộ ra vì băng tan, mang theo không khí lạnh của vùng cực, xoay ngược chiều kim đồng hồ xuống châu Âu.
Những mùa đông khắc nghiệt như đã xảy ra trong năm 2005-2006 và vào năm ngoái là chứng minh rõ rằng cho nhận định này trên thực tế. Trên lý thuyết, mô hình trên máy tính mô phỏng những ảnh hưởng của tình trạng băng tan ở vùng biể Barents-Kara, bắc bán đảo Scandinavia cũng cho thấy mối liên hệ giữa ấm lên toàn cầu và các mùa đông băng giá.
Như vậy, mùa đông lạnh hơn không phải là dấu hiệu cho thấy ấm lên toàn cầu đang chậm lại. Mà ngược lại, nó là một hệ quả của ấm lên toàn cầu, và cả hai đang diễn ra với xu hướng ngày một tăng. Ngay trong những ngày này, khi ở Đức, nhiệt độ đang là -14 độ C và tuyết dày 30 cm thì ở Greenland, thời tiết lại ấm áp một cách bất thường với nhiệt độ trên 0 độ C.