Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích
Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên sáng 9/11, đã có 22 người chết, 2 người mất tích, 2 người bị thương do mưa lũ.
Trong đó, Thừa Thiên Huế: 1 người chết, 1 người bị thương; Đà Nẵng: 3 người chết; Quảng Nam: 17 người chết, 1 người mất tích, 1 người bị thương, Quảng Ngãi: 1 người chết, Bình Định: 1 người mất tích.
Tổng số nhà bị sập, hư hại: 33 cái; tổng diện tích lúa bị ngập, hư hại: 659 ha; tổng diện tích hoa màu bị ngập, hư hại: 2.852,5 ha.
Nhiều tuyến đường nội thị TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) ngập bình quân từ 0,7-1,2m. Các đường liên xã dọc theo triền sông Ô Lâu ngập bình quân 0,8-1,2m. Các đường liên xã dọc theo triền sông Bồ huyện Quảng Điền một số đoạn ngập từ 0,3 - 0,6m, thuộc huyện Hương Trà một số đoạn ngập từ 1,5 - 2,0m. Một số đoạn các đường liên xã dọc theo triền sông Hương thuộc huyện Phú Vang ngập từ 0,9 - 1,5m, thuộc thành phố Huế ngập từ 0,4 - 1,7 m, thuộc Hương Thuỷ ngập từ 0,8 - 1,8m... Các tuyến TL6, TL17, TL4, TL4B, TL8A, TL8B ngập cục bộ nhiều đoạn từ 0,5-1,2m; TL1, TL2, TL3, TL10A ngập trung bình từ 0,3-0,7m. Đường sắt tại Văn Xá bị ngập 30-50cm.
Mưa lũ khiến miền Trung chịu nhiều thiệt hại về người
Tại tỉnh Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh tại đèo Lò Xo đi qua địa phận các huyện Phước Sơn Tây Giang, Đông Giang có nhiều điểm sạt lở lớn với khối lượng hàng ngàn m3 đất đá, gây ách tắc giao thông ngày 7/11. Quốc lộ 1A bị ngập nhiều vị trí trên địa phận huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, gây gián đoạn giao thông từ đêm 7/11 đến sáng 8/11. Các tuyến ĐT 604, 608, 609, 609B, 610B, 611 có nhiều đoạn ngập sâu trên 1,5m, gây gián đoạn giao thông. Đặc biệt tuyến ĐT 616 đi Nam Trà My bị ngập sâu tại ngầm Sông Trường, gây cô lập hoàn toàn huyện Nam Trà My. Đường Nam Quảng Nam qua địa phận huyện Nam Trà My sạt lở nặng với khối lượng đất đá khoảng 15.000m3. Các tuyến huyện lộ, liên xã, liên thôn thuộc các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông nhiều vị trí.
Mưa lũ cũng đã khiến cho hơn 36.000 ngôi nhà của tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập. Thành phố Đà Nẵng có 24 xã, phường bị ngập. Quảng Nam có khoảng 73.060 nhà bị ngập.
Ngày 8/11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Đêm 8/11, rạng sáng ngày 9/11, các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam mưa đã giảm. Lũ các sông từ Quảng Bình đến Bình Định đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Theo dự báo, lũ tiếp tục xuống và dao động ở mức từ BĐ1 đến BĐ2, riêng hạ lưu sông Thu Bồn dao động ở mức trên BĐ2 đến dưới BĐ3.
Cũng theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mưa lũ tại TP Đà Nẵng đã khiến 3 tàu bị chìm, 3 tàu bị đứt cáp trôi dạt.
Cụ thể, tàu kéo Xuân Chiểu 01 của ông Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1974), thường trú tại Ngũ hành Sơn bị chìm tại khu vực Bãi Nam núi Sơn Trà (gần trạm BP Công trình 15). Tàu cá ĐNa 40135 của ông Nguyễn Lộc (SN 1965), thường trú tổ 16A, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng bị chìm tại khu vực Bãi Nam núi Sơn Trà (gần trạm BP Công trình 15). Hiện chủ tàu đã trục vớt.
Tàu cá ĐNa 0172, hoạt động nghề hút cát của ông Võ Văn Trung (SN 1973), thường trú tổ 48, Khuê trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng bị chìm tại khu vực thi công cầu Rồng. Tàu cá ĐNa 0653, hoạt động nghề hút cát của ông Võ Văn Quân (SN 1976), thường trú tổ 48, Khuê trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng bị trôi dạt tại khu vực thi công cầu Rồng. Hai tàu cá BĐ 90590 và BĐ 96291 đứt cáp neo trôi trên sông Hàn.
Ngay sau đó, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động 1 tàu, 1 ca nô và trưng dụng 1 tàu kéo đang thi công cầu Rồng cứu kéo được tàu ĐNa 0653, BĐ 90590 và BĐ 96291 an toàn. Rất may, không có thiệt hại về người.