Mưa sao băng mới từ "Thiên Đàn" rơi xuống Trái đất một lần duy nhất

NASA cho biết một cơn mưa sao băng xuất phát từ chòm sao Thiên Đàn (Ara), chưa từng được lịch sử ghi nhận, sẽ xuất hiện vào mùa thu năm nay.

Theo tờ Space, cơn mưa sao băng hoàn toàn mới này sẽ được tạo ra khi Trái đất đi vào vùng đá bụi bất thường của sao chổi tên 15P/Finlay, một sao chổi có đường kính khoảng 2 km và có thể chỉ tạo ra mưa sao băng cho Trái đất một lần duy nhất.


Mưa sao băng mới sẽ phát ra từ phía chòm sao Thiên Đàn (Ara), một chòm sao nằm giữa các chòm Viễn Vọng Kính (Telescopium), Củ Xích (Norma), Khổng Tước (Pavo), Nam Tam Giác (Triangulum Australe) - (Ảnh: IN THE SKY).

Nguyên nhân là quỹ đạo dòng bụi của sao chổi này thay đổi hình dạng và kích thước theo thời gian. Quỹ đạo Trái đất sẽ không giao thoa đều đặn hàng năm hay 2 lần/năm với dòng bụi này như đối với những vật thể tạo mưa sao băng quen thuộc khác như sao chổi Halley hay tiểu hành tinh 3200 Phaethon.


Một trận mưa sao băng khác tên Lyrids - (ảnh: SPACE).

Theo tiến sĩ Diego Janches từ Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA, cơn mưa sao băng này có thể xuất phát từ chòm sao Thiên Đàn (còn có tên là Tế Đàn, tên La Tinh là Ara). Nó hiện vẫn mang cái tên tạm "Finlay-id", lấy từ tên của sao chổi thay vì lấy theo tên chòm sao xuất phát như các trận mưa sao băng quen thuộc khác.

NASA cho biết mưa sao băng có thể rơi vào mùa thu năm nay. Nhưng rất tiếc bạn sẽ khó lòng quan sát hiện tượng độc nhất vô nhị này vì có thể trong suốt 10 ngày rơi, mưa sao băng chỉ hiển thị trên bầu trời vùng gần cực Nam, tức vùng biển băng giá gần Nam Cực. Nếu may mắn, có thể chỉ một vài quốc gia ở Nam Bán Cầu chiêm ngưỡng được nó.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất