Mỹ chi tiền để cứu hội nghị khí hậu
Hy vọng tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Đan Mạch tăng lên sau khi Washington hôm qua tuyên bố nước này sẽ đóng góp hàng trăm tỷ USD vào quỹ hỗ trợ biến đổi khí hậu dành cho các nước nghèo.
Theo AP, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton nói rằng khoản đóng góp của Nhà Trắng có thể đạt tới 100 tỷ USD mỗi năm trong thời gian từ nay tới năm 2020. Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ cho phép cộng đồng quốc tế xem xét các tài liệu về khí thải carbon.
Phái đoàn Mỹ không có bất kỳ phản ứng nào đối với động thái của Trung Quốc, mà vẫn tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh công bố kế hoạch cắt giảm khí thải carbon và cho phép giới khoa học kiểm tra dữ liệu về tình hình khí thải.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trong cuộc họp báo tại Copenhagen vào ngày 17/12. Ảnh: AP. |
Sự nhượng bộ bất ngờ của Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế tạo ra tới 40% lượng khí thải toàn cầu - diễn ra trước phiên họp cuối cùng của 192 nước trong hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại thành phố Copenhagen. Điều này khiến dư luận thế giới hy vọng hội nghị có sẽ được một thỏa thuận khung về giảm khí thải và thỏa thuận ấy có thể biến thành một hiệp định mang tính ràng buộc pháp lý trong năm sau.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ tham dự phiên họp cuối cùng với hơn 110 nhà lãnh đạo khác. Trước đó triển vọng của hội nghị bị phủ bóng đen bởi tình trạng bất đồng giữa các nước, hành động tẩy chay của các quốc gia châu Phi và những lời chỉ trích gay gắt của một số đoàn. Tình trạng bế tắc khiến Thủ tướng Anh Gordon Brown phải đưa ra cảnh báo rằng hội nghị khí hậu có nguy cơ thất bại.
"Các thế hệ mai sau sẽ cám ơn hoặc lên án chúng ta sau hội nghị Copenhagen. Chúng ta không được phép để những lợi ích hạn hẹp trước mắt cản trở một chính sách nhằm bảo đảm sự tồn tại của loài người. Tôi không yêu cầu nước Anh hay bất cứ nước nào hy sinh lợi ích quốc gia để cứu khí hậu, nhưng chúng ta cần phải phát triển một cách khôn ngoan", ông Brown phát biểu trong hội nghị.