Nai ở Mỹ đã "hóa zombie", con người liệu còn an toàn?
Sự bùng phát của bệnh nai xác sống ở hươu, nai tại Mỹ làm dấy lên mối lo căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trong vùng đất rừng và đồng cỏ rộng lớn yên bình ở Bắc Mỹ, một chứng bệnh đang âm ỉ phát triển khiến nhiều người lo ngại. Đó là bệnh suy mòn mãn tính (CWD), hay còn gọi là bệnh nai xác sống.
Căn bệnh này đang "lén lút" lây lan trong quần thể hươu và nai ở vùng đất này, khiến các nhà khoa học, nhà bảo tồn và người dân lo lắng.
Biểu hiện của hươu, nai bị nhiễm CWD là sút cân, đi không vững, mắt lờ đờ, chảy nước dãi. (Ảnh: Newsweek).
Bệnh nai xác sống là gì?
Theo The Conversation, nai xác sống (tiếng Anh gọi là zombie deer disease) là một chứng bệnh thần kinh ảnh hưởng đến các loài hươu, nai sừng tấm và nai sừng xám phân bố ở các khu vực như Canada, Mỹ, Na Uy, Hàn Quốc.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nêu rằng những con vật bị nhiễm bệnh có thể phải mất hơn một năm mới xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng thường thấy bao gồm sút cân, đi không vững, mắt lờ đờ, chảy nước dãi hay thậm chí là rơi vào hôn mê.
Hiện nay, CWD ảnh hưởng đến động vật ở mọi độ tuổi. Một số con nhiễm bệnh, sau đó tử vong mà không hề có triệu chứng. Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra vaccine hay phương pháp điều trị cho chứng bệnh lạ này.
Theo Cơ quan Kiểm tra Sức khỏe Động vật và Thực vật, Bộ Nông nghiệp Mỹ, mặc dù là một bệnh truyền nhiễm, thủ phạm gây ra bệnh nai xác sống không phải virus hay vi khuẩn.
Theo các nhà khoa học, prion là các protein bị lệch tâm, khiến các protein bình thường trong não cũng lệch tâm như vậy và dẫn đến tình trạng thoái hóa thần kinh.
Prion khiến giới khoa học lo ngại vì chúng có khả năng phục hồi rất mạnh và có thể tồn tại trong nhiều năm. Đặc biệt, chúng có thể chống lại khí độc formaldehyde, bức xạ và tồn tại trong nhiệt độ khắc nghiệt.
Giới khoa học lo ngại con người có thể nhiễm CWD vì hươu, nai vẫn bị săn để lấy thịt rất nhiều. (Ảnh: BC Wildlife Federation).
Con người có bị nhiễm CWD hay không?
CDC ước tính rằng ở những khu vực lưu hành bệnh prion, tỷ lệ lây nhiễm dao động từ 10-25% . Nm 2023, kết quả giám sát từ tỉnh Alberta của Canada cho thấy tỷ lệ dương tính đối với hươu la là 23%, theo BBC.
Sự lây lan của CWD trong giới động vật gây ra những rủi ro đáng kể về mặt sinh thái và cả sức khỏe con người. Hiện nay, chưa bằng chứng nào có thể chứng minh CWD có thể lây nhiễm trực tiếp sang người, nhưng giới khoa học lo ngại điều này là có cơ sở.
Đầu tiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng prion gây ra bệnh nai xác sống có thể lây nhiễm và "nhân giống" trong tế bào của con người trong môi trường thí nghiệm. Điều này đã làm dấy lên mối lo về nguy cơ lây nhiễm.
Thứ hai, con người có nguy cơ tiếp xúc với động vật nhiễm CWD khi săn bắt và ăn thịt chúng.
Một báo cáo được công bố trên National Library of Medicine vào năm 2019 cho thấy chỉ riêng trong năm 2017, người Mỹ tiêu thụ khoảng 7.000-15.000 con vật nhiễm CWD và dự báo mức tăng hàng năm là 20%.
Ở những nơi có tỷ lệ lây nhiễm CWD cao, ví dụ bang Wisconsin (Mỹ), hàng nghìn người có thể đã vô tình tiêu thụ thịt từ những con hươu, nai nhiễm bệnh. Việc giảm thiểu rủi ro lây bệnh sang người sẽ rất khó vì số người tiêu thụ thịt hươu, nai quá nhiều.
Các bệnh do prion gây ra, như bệnh Creutzfeldt-Jakob ở người và bệnh bò điên ở gia súc, đã chứng minh rằng dịch bệnh có thể vượt qua rào cản chủng loài và để lại hậu quả tàn khốc.
Ví dụ, sự bùng phát của bệnh bò điên ở Anh vào năm 1995 đã khiến hàng triệu gia súc chết và gần 200 người thiệt mang do biến thể của căn bệnh này.
Ngoài ra, những khó khăn liên quan việc phát hiện và chẩn đoán prion ở người làm tình hình càng trở nên phức tạp.
Khác với những tác nhân truyền nhiễm thông thường, prion không kích hoạt phản ứng miễn dịch nên chúng ta rất khó phát hiện bằng những công cụ mà khoa học hiện có.
Khả năng CWD ảnh hưởng đến sức khỏe con người không chỉ giới hạn ở việc lây truyền trực tiếp. Việc prion tồn tại lâu dài trong môi trường đồng nghĩa với việc con người cũng có thể bị phơi nhiễm qua các con đường gián tiếp như đất, nước và các nguồn môi trường khác bị ô nhiễm.
Ngoài những lo ngại về sức khỏe trước mắt, sự lây lan của CWD còn gây ra những rủi ro đáng kể về sinh thái và kinh tế.
Săn hươu, nai không chỉ là một hoạt động giải trí phổ biến, mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm và sinh kế quan trọng cho nhiều cộng đồng.
Sự gia tăng của CWD có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng mong manh này, kéo theo đó là có thể làm suy giảm số cá thể trong quần thể hươu, nai và ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Tác động sinh thái do CWD gây ra còn vượt ra ngoài quần thể hươu, nai, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái.
Cụ thể, hươu, nai đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành quần xã thực vật, tác động đến việc thực vật phát triển và thay đổi thông qua việc chăn thả.
Một khi quần thể hươu, nai bị suy giảm, quần thể thực vật, sức khỏe đất đai sẽ bị ảnh hưởng. Những loài động vật hoang dã săn hươu làm thức ăn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
- Virus xác sống - CWD nguy hiểm như thế nào với con người?
- Dịch bệnh biến hươu thành xác sống có thể lây sang người
- Bệnh dịch "xác sống" lan tràn ở Mỹ, Canada đe dọa đến con người