Năng lượng tái tạo tại châu Phi – tiềm năng lớn còn bị bỏ ngỏ
Lục địa đen hiện đang là khu vực có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, trong đó điều kiện tự nhiên ở khu vực Bắc Phi rất thuận lợi cho phát triển phong điện, khu vực cận Sahara và vành đai Sahara có nhiều ưu thế để phát triển quang điện mặt trời, Trung Phi phát triển năng lượng sinh khối, và khu vực châu Phi xích đạo có thể tập trung phát triển thủy điện - đây là nhận định được đưa ra trong bản báo cáo mới công bố mang tên “Các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Phi” (Renewable energies in Africa) do Trung tâm Nghiên cứu Chung thuộc Ủy ban Châu Âu (EC) thực hiện.
Ngoài những thông tin thú vị nêu trên, bản báo cáo còn nhấn mạnh, châu Phi hoàn toàn có thể thay đổi diện mạo nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nếu chính phủ các nước tập trung đầu tư vào khai thác và sử dụng tiềm năng năng lượng tái tạo trên khắp lục địa.
Dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới tại Sahara
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi châu Phi hiện vẫn còn tới gần 600 triệu dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa được tiếp cận với điện năng. Việc tận dụng các nguồn tái tạo đúng nơi, đúng chỗ vì thế có thể được xem là giải pháp kinh tế an toàn và hiệu quả so với định hướng mở rộng các dịch vụ lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, muốn chính phủ các nước châu Phi chuyển hướng sang năng lượng tái tạo không phải là chuyện dễ bởi từ lâu lục địa này đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhiên liệu diesel.
Hơn nữa, cơ hội tạo việc làm cho người dân nếu lấn sang các lĩnh vực năng lượng mới cũng không thể lớn bằng ngành công nghiệp than hay dầu diesel.
Dù vậy, nhóm các nhà nghiên cứu vẫn kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách ở châu Phi sẽ nhìn nhận rõ tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo của châu lục mình, từ đó vạch ra đường hướng phát triển phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả lợi thế sẵn có, từng bước thay đổi diện mạo nền kinh tế – xã hội của toàn châu lục.