NASA phát hiện 2 lỗ đen khổng lồ trong thiên hà lùn sắp va chạm
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 22/2 cho biết thông qua Đài quan sát tia X Chandra, cơ quan này đã phát hiện 2 lỗ đen khổng lồ trong thiên hà lùn sắp va chạm.
NASA nhấn mạnh vụ va chạm này có thể cung cấp cho giới khoa học thông tin quan trọng về sự phát triển của các lỗ đen trong vũ trụ sơ khai.
2 lỗ đen khổng lồ trong thiên hà lùn sắp va chạm. (Nguồn: NASA)
Theo định nghĩa, các thiên hà lùn chứa các ngôi sao có tổng khối lượng nhỏ hơn khoảng 3 tỷ lần so với Mặt trời.
Các nhà thiên văn học từ lâu đã đặt giả thuyết rằng các thiên hà lùn hợp nhất tương đối sớm, đặc biệt là trong vũ trụ thuở sơ khai, để phát triển thành các thiên hà lớn hơn được thấy ngày nay.
Tuy nhiên, công nghệ hiện tại không thể quan sát các vụ sáp nhập thiên hà lùn lúc ban đầu vì hình ảnh từ khoảng cách xa rất mờ nhạt.
Nghiên cứu mới đã áp dụng phương pháp khác, qua thực hiện một cuộc khảo sát có hệ thống về các quan sát sâu của tia X Chandra và so sánh với dữ liệu từ Vệ tinh Thăm dò Khảo sát Hồng ngoại Phạm vi rộng của NASA và dữ liệu quang học từ Kính viễn vọng Canada-Pháp-Hawaii.
Các nhà thiên văn học Mỹ đã tìm kiếm các cặp nguồn tia X sáng trong các thiên hà lùn đang va chạm để làm bằng chứng về hai lỗ đen, và phát hiện ra hai ví dụ, một nằm trong cụm thiên hà Abell 133 nằm cách Trái đất 760 triệu năm ánh sáng và một nằm trong cụm thiên hà Abell 1758S, cách chúng ta khoảng 3,2 tỷ năm ánh sáng.
Theo NASA, cả hai cặp đều cho thấy các cấu trúc là dấu hiệu đặc trưng của các vụ va chạm thiên hà, được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng kiến thức về sự phát triển của lỗ đen.
- Trung Quốc tiết lộ kế hoạch đối phó vệ tinh Starlink của tỷ phú công nghệ Elon Musk
- Thứ trong ảnh không phải ngôi sao, mà là "con thú" khiến cả vũ trụ khiếp sợ
- Giấc mơ định cư trên mặt trăng của sao Thổ: Đầy rẫy bạo lực vũ trụ!