NASA phát hiện lượng lớn khoáng vật đất sét trên sao Hỏa
Robot khám phá Curiosity của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây đã phát hiện một lượng khoáng vật đất sét lớn nhất kể từ khi robot được đưa lên sao Hỏa hồi tháng 8/2012.
Theo thông báo mới của NASA, hai mẫu vật được Curiosity tìm thấy khi khoan 2 mục tiêu đá được đặt tên là Aberlady và Kilmarie.
Khu vực phát hiện hàm lượng đất sét cao nằm ở mạn bên của vùng thấp ở núi Sharp.
Những mẫu vật này chứa lượng đất sét cao nhất từng được phát hiện trong nhiệm vụ của NASA.
Cả hai mục tiêu khoan này được phát hiện khi Curiosity chụp bức ảnh selfie mới hôm 12/5 vừa qua. Khu vực phát hiện hàm lượng đất sét cao nằm ở mạn bên của vùng thấp ở núi Sharp.
Vùng này vốn nằm ngoài quĩ đạo khám phá của NASA trước khi Curiosity được đưa lên sao Hỏa vào năm 2012.
Curiosity hiện đang thực hiện nhiệm vụ khám phá núi Sharrp để xem khu vực này có điều kiện để hỗ trợ sự sống hàng tỷ năm trước hay không.
Vì vậy, phát hiện mới có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này bởi đất sét thường được hình thành trong nước, một hợp chất hóa học thiết yếu cho sự sống.
Công cụ phân tích khoáng sản học của Curiosity có tên là CheMin, đã đưa về Trái Đất bản phân tích đầu tiên về các mẫu đá khoan được tại khu vực nhiều đất sét.
Ngoài ra, trong lần khoan và phân tích này, Curiosity sử dụng camera điều hướng đen trắng để chụp ảnh các đám mây trôi dạt trong ngày 7/5 và 12/5.
Các đám mây này có thể là những đám mây băng (có chứa nước), cách bề mặt sao Hỏa khoảng 31km.