NASA phát hiện miệng hố lớn nhất trên sao Hỏa
Dữ liệu từ trạm đổ bộ InSight và tàu bay quanh quỹ đạo Mars Reconnaissance giúp các nhà nghiên cứu NASA tìm thấy miệng hố rộng 150 m tạo bởi va chạm thiên thạch.
Nhiệm vụ Insight của NASA hạ cánh trên sao Hỏa vào tháng 11/2018 để quan sát cấu tạo bên trong hành tinh, lập bản đồ các lớp đất và đường đứt gãy. Vào ngày 24/12/2021, trạm đổ bộ có một phát hiện quan trọng khi thu được sóng địa chấn từ vụ va chạm thiên thạch lớn. Ảnh chụp từ quỹ đạo khiến phát hiện càng đáng chú ý hơn bởi qua đó, các nhà khoa học tìm thấy một miệng hố mới cực lớn.
Những khối băng to bằng hòn đá cuội nằm rải rác quanh miệng hố va chạm. (Ảnh: NASA).
"Đây là miệng hố lớn nhất mà chúng tôi từng thấy", Ingrid Daubar, nhà khoa học hành tinh ở Đại học Brown, cho biết trong buổi họp báo hôm 27/10. "Chúng tôi cho rằng miệng hố lớn cỡ này có thể hình thành trên sao Hỏa vài thập kỷ một lần. Vì vậy, thật thú vị khi có thể chứng kiến sự kiện và may mắn là nó xảy ra khi trạm InSight đang ghi lại dữ liệu địa chấn".
Vào tháng 9, các nhà khoa học trong nhiệm vụ InSight thông báo phát hiện 4 vụ va chạm thiên thạch, mỗi vụ va chạm tạo ra một miệng hố mới, vào năm 2020 và đầu năm 2021. Nhưng tất cả đều là va chạm nhỏ, không có vụ va chạm nào tạo ra động đất mạnh hơn 2 độ. Thành viên nhóm nghiên cứu InSight không nghĩ họ có thể thấy tín hiệu từ vụ va chạm mạnh hơn, vì vậy dữ liệu hôm 24/12 của trạm Insight gây bất ngờ lớn. Những quan sát hé lộ vụ va chạm mạnh 4 độ và tạo ra miệng hố rộng hơn 130m.
Trong khi nhóm nghiên cứu InSight đang tìm hiểu nguồn gốc vụ va chạm, tàu quay quanh quỹ đạo Mars Reconnaissance (MRO) cũng phát hiện một miệng hố va chạm lớn còn mới, theo Liliya Posiolova, trưởng nhóm hoạt động khoa học trên quỹ đạo của nhiệm vụ MRO tại California, cho biết. Posiolova và cộng sự lần đầu tiên trông thấy miệng hố mới trong dữ liệu do camera Context của tàu MRO thu thập.
Theo Daubar, miệng hố trải rộng 150m, tương đương hai khu nhà trong thành phố và gấp 10 lần kích thước của miệng hố thông thường trên sao Hỏa. Dựa trên độ lớn của miệng hố, các nhà khoa học ước tính tiểu thiên thạch đâm vào hành tinh đỏ rộng khoảng 5 - 12m. Thiên thạch đâm sâu vào bề mặt sao Hỏa đủ để bắn ra những viên đá và băng nước lớn cỡ đá cuội. Do va chạm nhiều khả năng phá hủy hoàn toàn thiên thạch, nhóm nghiên cứu tin chắc băng bắn ra đến từ dưới bề mặt hành tinh. Miệng hố tạo bởi thiên thạch nằm cách trạm InSight khoảng 3.500km.
Các nhà nghiên cứu mô tả phát hiện trong hai bài báo công bố hôm 27/8 trên tạp chí Science. Đây có thể là phát hiện cuối cùng từ InSight được xuất bản trước khi nhiệm vụ kết thúc. Trạm đổ bộ còn rất ít năng lượng do bụi tích tụ trên tấm pin quang năng. Địa chấn kế của trạm hiện nay chỉ quan sát 8 giờ trong 4 ngày sao Hỏa. Nhóm phụ trách InSight dự đoán nhiệm vụ sẽ kết thúc trong vòng vài tháng tới.
- Robot NASA đã đến "nơi trú ẩn cuối cùng" của sinh vật ngoài hành tinh?
- Sao Hỏa có sự sống 3,7 tỉ năm, là loài đáng sợ với người Trái đất
- NASA sắp thử nghiệm "phanh bơm hơi" cho tàu đổ bộ sao Hỏa