Nếu không có sa mạc, nền văn minh Ai Cập liệu có tồn tại?

Cằn cỗi, trơ trụi, không sự sống là hình ảnh mọi người thường nghĩ khi nghe đến sa mạc. Tuy nhiên điều đó có vẻ như không đúng với Ai Cập, một trong những quốc gia có nền văn minh phát triển lâu đời bậc nhất thế giới. Quá trình hình thành Ai Cập cổ đại khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi ngược, liệu sa mạc là vật cản hay bước đệm tạo đà cho quốc gia Bắc Phi này phát triển?

Giàu tài nguyên

Từ những công cụ lao động làm bằng đồng, tới thuốc nhuộm trang trí kim tự tháp mà màu sắc vẫn còn tươi mới sau hàng nghìn năm tồn tại, Ai Cập đã khai thác vô vàn nguyên vật liệu quý họ tìm được từ thời cổ đại. Trải dài từ Thung lũng sông Nile đến Biển Đỏ, Ai Cập xa xưa rộng lớn và trù phú hơn rất nhiều so với đất nước có tên Ai Cập ngày nay. Một phần lãnh thổ Ai Cập cổ đại còn vươn đến cả sa mạc Libya ở phía Tây, cũng như sa mạc Ảrập bên bờ Đông.

Nghiên cứu về Ai Cập cổ đại suốt hàng chục năm, Tiến sĩ Pawet Polkowski, Giám đốc Bảo tàng Khảo cổ Poznan (Ba Lan) cho biết nền văn minh của quốc gia này bắt nguồn từ 5 ngàn năm trước. Ở thời con người sinh sống tại nhiều nơi vẫn quen lối sống ăn lông ở lỗ, săn bắt hái lượm, người Ai Cập cổ đã biết khai thác tài nguyên, chế tạo công cụ lao động từ kim loại đồng. Đó là tiền đề để khai sinh ra nhà nước Ai Cập đầu tiên vào năm 2686 TCN.

Sống giữa sa mạc nhưng người Ai Cập hiếm khi nào rơi vào cảnh thiếu nước uống hay lương thực, bởi họ không bao giờ chọn những vùng đất cằn cỗi để định cư. Thay vào đó họ tìm đến các ốc đảo, nơi nguồn nước luôn có sẵn cùng hệ động thực vật trù phú. Thói quen tập trung nhau lại ở các ốc đảo chính là cơ sở hình thành lối sống quần cư, đô thị hóa sau này. Từ những khoáng sản phổ biến, người Ai Cập dần biết cách khai thác và chế tạo đồ dùng từ những vật liệu hiếm.

Sa mạc Libya là một trong những nơi có trữ lượng cát thủy tinh lớn, và nó không thể vượt khỏi tầm mắt của những người Ai Cập cổ. Công nghệ chế tác của người Ai Cập chính là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thủy tinh đến tận ngày nay. Ngoài ra các sản phẩm nông nghiệp và rượu của Ai Cập cũng được đánh giá rất cao về khả năng sản xuất hàng loạt, cũng như chất lượng của nó.

Bí quyết giúp Ai Cập có trình độ sản xuất vượt trội so với các khu vực khác ở cùng thời kỳ chính là khả năng sản xuất công cụ lao động với số lượng lớn. Mỏ đồng ở Sinai được khai thác liên tục ngay từ thời cổ đại, qua đó giúp quốc gia này chế tác ra đủ lượng công cụ cần thiết vào mọi hoạt động hàng ngày. Những khối đá xây nên kim tự tháp trải dài từ bán đảo Sinai đến vùng Nubia xa xôi ở phía Nam Ai Cập đều có dấu tích cho thấy chúng được cắt xẻ, chuyên chở bởi công cụ lao động làm bằng đồng.


Các ốc đảo giữa sa mạc là tiền đề giúp văn minh Ai Cập phát triển.

Không có sa mạc thì sao?

Nghiên cứu sâu hơn về những bức họa bên trong kim tự tháp Giza, các nhà khoa học tìm thấy một sự thật bất ngờ khác. Thuốc nhuộm màu đỏ dùng để trang trí trong lăng tẩm có thành phần chính là ôxít sắt, qua đó họ đặt giả định tồn tại một mỏ sắt được khai thác từ thời Ai Cập cổ đại mà chưa ai biết tới. Nếu suy đoán trên là sự thật, lịch sử về Ai Cập thời các pharaoh trị vì sẽ phải viết lại toàn bộ. Điều đáng tiếc là không ai có đủ thông tin để chứng minh giả định trên.

Từ những dẫn chứng đã nêu ở trên, Polkowski chỉ ra những nguồn tài nguyên phong phú từ sa mạc (bao gồm nước sạch, đồng, cát thủy tinh và nhiều loại nguyên vật liệu khác) chính là cơ sở giúp nền văn minh Ai Cập phát triển sớm. Nếu không có chúng, Ai Cập khó có thể vươn đến những thành tựu vượt bậc như họ từng làm trước kia. Chắc chắn những lăng mộ, kim tự tháp... sẽ không tồn tại, hoặc nếu có cũng không thể trù phú với vô vàn vật phẩm bày biện bên trong.

Khó khăn duy nhất nền văn minh Ai Cập phải đối mặt là rủi ro trong những hành trình từ vùng đất này đến vùng đất khác. Ngay cả trong thời hiện đại, việc lái xe đi dạo quanh vùng sa mạc hoang sơ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bão cát xâm thực, cát lún,... luôn là những hiểm họa chực chờ người hành hương. Tuy nhiên chừng đó khó khăn không thể ngăn Ai Cập cổ đại phát triển với một trình độ vượt bậc với nguồn tài nguyên có sẵn.

Ở thời đại những phương tiện vận chuyển như xe ngựa chắc chắn không thể chạy qua những đụn cát lớn, người Ai Cập đã sử dụng khéo léo súc vật nhằm phục vụ cho những chuyến đi dài. Họ không dùng lạc đà như các quý tộc Trung Đông, mà sử dụng lừa để đi lại. So với lạc đà hay ngựa, lừa dai sức hơn hẳn nên chúng được sử dụng với số lượng lớn từ rất sớm. Những đàn lừa được bảo vệ nghiêm ngặt bởi binh lính canh gác vì chúng là tài sản quý giá.

Trong vài thập niên gần đây, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy một vài di chỉ có thể là trạm dừng chân của những đoàn hành hương lớn trong lịch sử. Dấu tích để lại cho thấy người Ai Cập cổ có sự hiểu biết tiến bộ về đo lường, bởi họ tính đến khoảng cách giữa các chuyến đi để xây dựng trạm dừng chân một cách tương đối hợp lý. Các trạm sẽ cách nhau khoảng 30-90km tùy vào khoảng cách quãng đường, và nơi đây cung cấp cả nước lẫn thức ăn giống như trạm dừng trên đường cao tốc ngày nay.

"Những trạm dừng này đã có từ hàng ngàn năm trước. Chúng tạo thành một mạng lưới dày đặc liên kết việc di chuyển giữa vùng Dakhla và Jebel Uweinat, qua đó đi lại thuận tiện hơn rất nhiều", Polkowski nhận định. Thay vì đi một mình, người Ai Cập cổ thường đi thành những đoàn lớn để hỗ trợ nhau, cũng như làm giảm nguy cơ gặp hiểm họa trên đường đi như trộm cắp hay bão cát.


Sa mạc Ai Cập còn chứa rất nhiều bí ẩn về những thứ bên trong nó.

Ai Cập thời hiện đại

Trong vài năm qua, Polkowski và những người có chung đam mê nghiên cứu nền văn minh Ai Cập cổ đại gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin. Tình hình bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này khiến nhiều vùng sa mạc còn ẩn chứa nhiều di chỉ khảo cổ phải đóng cửa với giới nghiên cứu. Cách duy nhất để Polkowski tiếp tục đào sâu vào những nghiên cứu của mình là thu thập tài liệu ghi chép lại từ những đồng sự trước đây. Đó cũng chính là lúc ông tìm ra ý nghĩa của thần Set.

Mang trong mình hình hài của một con chó, Set là một vị thần đầy bí ẩn của Ai Cập cổ đại. Nhưng theo Polkowski, đây là biểu tượng của sa mạc, giông bão và hỗn loạn. Trước mỗi chuyến hành hương, người Ai Cập sẽ mang theo một bức tượng của thần Set để cầu mong bản thân được bình yên. Những vật phẩm được tìm thấy bên cạnh một vài bức tượng thần Set cho thấy Ai Cập cũng mới chỉ bị sa mạc hóa. Nhiều nơi thuộc Ai Cập cổ đại từng là đồng bằng màu mỡ.

Nguyên nhân giúp nền văn minh Ai Cập tồn tại và phát triển cũng có thể chính là thứ khiến nó biến mất trong thời gian ngắn. Theo thời gian, vùng đất Ai Cập trù phú xưa kia dần bị sa mạc hóa. Những ốc đảo sau khi bị khai thác cạn kiệt các túi nước ngầm cũng trở nên cằn cỗi, không thể đáp ứng nổi nhu cầu sử dụng nước sạch và lương thực ngày một tăng lên khi dân số phát triển. Tài nguyên không còn, nền văn minh Ai Cập cũng lụi tàn theo.

Thật khó để tưởng tượng về một Ai Cập trù phú với những cánh đồng lớn, người dân quần cư đông đúc nếu nhìn vào những dấu tích còn lại của hôm nay. Tuy nhiên đó lại là giả thiết hợp lý nhất được các nhà khoa học tán đồng. Trên thực tế tại sa mạc Sahara, quá trình sa mạc hóa vẫn đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Có những nơi bị cát lấn sâu vào đến 200km chỉ trong một năm, do đó nền văn minh Ai Cập biến mất vì thiên nhiên tàn phá không phải lý do quá bất hợp lý.

Dù vậy, rất nhiều khoáng sản quý vẫn đang ngủ yên dưới lòng đất của những nơi thuộc Ai Cập cổ đại và chờ được phát lộ. Đầu tháng trước, chính quyền Ai Cập tuyên bố họ vừa phát hiện ra một mỏ vàng lớn có giá trị gần 2 tỷ USD chưa từng được biết đến từ trước đến nay. Liệu sau phát hiện lớn trên, người ta còn tìm thấy được những gì trong lòng đất vốn từng là thung lũng của các pharaoh? Chẳng ai có thể biết trước được.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất