Ngắm giao lộ 4 tầng đầu tiên ở Việt Nam sau khi thông hầm chui
Cảnh ùn tắc có dấu hiệu giảm hẳn sau khi Hà Nội cho thông xe công trình hầm chui Thanh Xuân ở giao lộ 4 tầng đầu tiên của Việt Nam, sáng 8/1.
Hầm chui cơ giới Thanh Xuân tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến chính thức thông xe 6h ngày 8/1.
Vào giờ cao điểm sáng nay, nút giao này không còn cảnh kẹt cứng các phương tiện kéo dài như những ngày qua.
Đây là lần đầu tiên, người đi xe máy băng qua một trong những ngã tư lớn nhất thủ đô nhanh chóng, thoải mái.
Hầm chui Thanh Xuân là dự án phức tạp về mặt kỹ thuật thi công khi tại đây cùng một lúc có thêm hai công trình khác là đường trên cao vành đai 3, đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Ngoài ra Nguyễn Trãi còn là tuyến cửa ngõ thủ đô với mật độ phương tiện luôn dày đặc hàng giờ.
Cảnh tượng giao thông tại tuyến đường này như trong ảnh được coi là thông thoáng hơn trước đây vào giờ cao điểm.
Ông Đỗ Mạnh Ninh - Đội trưởng đội CSGT số 7 cho biết, sáng nay đơn vị đã linh động cho taxi chạy thử vào tuyến đường này trong giờ cấm (từ 7h - 9h) để thử nghiệm.
Sau lễ thông xe, đèn điện trong hầm bắt đầu được bật phục vụ người điều khiển phương tiện dễ dàng đi lại.
Xe máy được di chuyển dưới hầm ở tốc độ dưới 40 km/h.
Các xe quá khổ trên 4,75 m, người đi bộ, xe đạp không được lưu thông qua hầm chui Thanh Xuân.
Trong ngày đầu, xuất hiện một số trường hợp vi phạm giao thông. Một phụ nữ sau khi di chuyển được nửa hầm bất chợt quay lại đi ngược chiều.
Mặc dù bị cấm nhưng vẫn có người "vô tình" đi xe đạp vào.
Cũng trong sáng nay, Hà Nội khánh thành hầm chui Trung Hòa (nút giao đại lộ Thăng Long, Trần Duy Hưng). Hướng đi từ Trần Duy Hưng đến Đại lộ Thăng Long các phương tiện được lưu thông ngay từ 8h, còn ở chiều ngược lại dự kiến đến đầu giờ chiều 8/1 mới cho thông xe do rạp tổ chức lễ chưa kịp dỡ bỏ.
Hầm chui Thanh Xuân dài 980 m, rộng 14 m tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khởi công tháng 6/2014, xây dựng theo hướng Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6 để tách phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi khỏi khu vực giao cắt
Dự án trị giá trên 500 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản (phần còn thừa của dự án đường vành đai 3 trên cao), gồm một đường hầm và đường dẫn vào hầm tổng chiều dài 980 m. Trong đó, chiều dài của phần hầm kín là 109 m, mặt cắt ngang 14 m, bốn làn xe chạy.
Công trình do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) và Liên danh nhà thầu Hanshin (Hàn Quốc) thực hiện.