Nghiên cứu chống tác hại của khói bụi từ chuột đồng
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm di truyền học ở Novosibirsk (Nga) cho biết khói bụi ảnh hưởng không chỉ đến lá phổi mà còn đến bộ não con người, tuy nhiên đối với loài chuột đồng ở Siberia, những tác nhân này không hề có hại hay ảnh hưởng sức khỏe của chúng.
Phát hiện này có thể giúp loài người tìm ra cách thức chống bệnh mất trí nhớ và các bệnh nghiêm trọng khác do khói bụi gây ra.
Chuyên gia Mikhail Moshkin, Trưởng Ban nghiên cứu gene động vật thí nghiệm của Viện Di truyền và Tế bào học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết Nhật Bản và Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề này vì các ngành công nghiệp đang phát triển nhanh của họ thải ra rất nhiều khói bụi gồm các hạt có kích thước nano.
Loài chuột đồng "slepushonka" có khả năng tránh tác hại của khói bụi nhờ cách hít thở hiệu quả. (Ảnh: tambov-zoo.ru)
Ông cho biết, nhóm chuyên gia của ông đang nghiên cứu vấn đề bằng cách nào các hạt nano từ mũi và niêm mạc đường thở có thể xâm nhập vào não. Có ý kiến cho rằng sự tích tụ của các hạt nano trong não có thể gây ra bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer. Đây là những bệnh thoái hóa thường xuất hiện khi tuổi già và hình thành do điều kiện cuộc sống.
Các nhà khoa học ở Novosibirsk là những người đầu tiên lưu ý rằng, không chỉ lá phổi mà còn não cần phải được bảo vệ khỏi khói bụi. Ở Siberia, loài chuột đồng "slepushonka" (chuột mù) sống dưới lòng đất và ăn rễ cây. Loại động vật gặm nhấm này đào đất bằng răng và không hề sợ khói bụi.
Ông Moshkin cho biết, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cấu trúc hô hấp của chuột “slepushonka” khác với chuột nhà. Slepushonka hít vào chậm và thật sâu và thở ra rất nhanh. Chuột nhà thở theo cách khác - hít vào rất nhanh rồi thở ra từ từ.
Theo ông Moshkin, việc nghiên cứu xem các hình thức thở khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tích tụ bụi bẩn trong khoang mũi và phổi, từ đó các nhà khoa học có thể đưa ra kiến nghị về cách thức tiến hành các bài tập thở ở người để tránh tác hại của khói bụi.