Ngọn núi lửa đứng sau thảm họa sóng thần ở Indonesia

Núi lửa trẻ Anak Krakatoa nhô lên từ dưới biển và phát triển tới độ cao hơn 300 mét trong chưa đầy 100 năm do liên tục phun dung nham.

Anak Krakatoa, ngọn núi lửa gây ra thảm họa sóng thần ở Indonesia hôm 22/12 nổi lên từ mặt biển cách đây 90 năm và luôn trong nằm danh sách đề phòng phun trào dữ dội suốt thập kỷ qua, theo SCMP.

Anak Krakatoa (có nghĩa "Con của Krakatoa") hoạt động từ tháng 6, thường xuyên phun những cột tro khổng lồ lên cao và bắn bom dung nham khiến một tàu du lịch suýt bị rơi trúng vào hồi tháng 10. Các chuyên gia cho biết Anak Krakatoa xuất hiện vào năm 1928 ở hõm chảo Krakatoa, đảo núi lửa từng phun trào dữ dội năm 1883. Với những dòng dung nham chảy liên tục, Anak Krakatoa lớn dần từ một mô đất dưới biển thành đảo núi lửa nhỏ với phần chóp nằm ở độ cao khoảng 305 mét phía trên mực nước biển


Núi lửa Anak Krakatoa phun cột tro hồi tháng 7. (Ảnh: SCMP).

Từ khi hình thành, Anak Krakatoa ở trong "tình trạng hoạt động bán liên tục", trở nên lớn hơn khi cách 2 - 3 năm lại phun trào, theo giáo sư núi lửa học Ray Cas ở Đại học Monash, Australia. "Phần lớn các vụ phun trào tương đối nhỏ theo quy mô phun trào bùng nổ và cũng có những sự kiện tạo ra bom dung nham", Cas cho biết.

Theo Cas, sự kiện mới nhất có vẻ giống "một vụ phun trào bùng nổ tương đối nhỏ" nhưng có thể kích hoạt hoặc xảy ra trùng với sự kiện dưới biển như lở đất hoặc động đất, gây ra thảm họa sóng thần. Không có người sinh sống trên đảo, nhưng đỉnh núi hấp dẫn nhiều du khách và là khu vực nghiên cứu quan trọng đối với các nhà núi lửa học.

Khi phun trào vào tháng ngày 27/8/1883, Krakatoa phun ra cột tro cao hơn 20km trong hàng loạt vụ nổ có thể nghe thấy ở Australia và vang xa 4.500km tới gần Mauritius. Đám mây tro bụi khổng lồ khiến cả khu vực chìm trong bóng tối suốt hai ngày. Bụi tạo nên khung cảnh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp trên khắp thế giới suốt vào năm sau đó và làm gián đoạn mô hình thời tiết suốt nhiều năm. Sóng thần do vụ phun trào kích hoạt giết chết hơn 36.000 người, đánh dấu một trong những thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất.

Indonesia nằm ở vị trí gần nơi giao nhau của ba mảng lục địa liên tục xô đẩy nhau dưới áp lực khổng lồ nên đặc biệt dễ xảy ra động đất và phun trào núi lửa. Quốc đảo này có gần 130 núi lửa đang hoạt động, tạo thành một phần của "Vành đai Lửa", vành móng ngựa tập trung hoạt động địa chấn dữ dội trải dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á và bao quanh lòng chảo Thái Bình Dương.


Cảnh tượng đổ nát ở Indonesia sau thảm họa sóng thần.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất