Ngược đời "siêu bảo vật" trị giá hàng tỷ NDT nhưng mộ tặc luôn vứt lại

Dù mộ tặc có vơ vét sạch đồ tùy táng trong lăng, chúng vẫn luôn để lại một món cổ vật có giá trị rất lớn. Đó là thứ gì?

"Siêu bảo vật quốc gia"

Triều đại nhà Hán (206 TCN - 220) là thời điểm cực thịnh của phong tục bồi táng tại Trung Quốc, những lăng mộ được xây dựng dưới thời kỳ này đều chôn theo hàng ngàn cổ vật giá trị nên dễ dàng lọt vào tầm mắt của những tên mộ tặc.

Vì điều này mà khi khai quật những lăng mộ triều Hán, các nhà khảo cổ luôn phải thốt lên ngao ngán "có mười mộ thì chín mộ trống không".

Theo trang tin Sina, những ngôi mộ nhà Hán tập trung chủ yếu ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tính đến nay đã phát hiện được 7 lăng ở khu vực này.

Khi khai quật, đơn vị khảo cổ địa phương nhận thấy hầu hết các lăng này đã bị đào trộm từ lâu, đồ vàng, ngọc, đồng và các cổ vật giá trị cơ bản đã bị đánh cắp. Xương cốt của chủ nhân ngôi mộ cũng bị bọn trộm mộ vứt bỏ không thương tiếc.

Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là dù mộ tặc có vơ vét sạch đồ tùy táng trong lăng, chúng vẫn luôn để lại một món bảo vật có giá trị rất lớn - đó chính là ngọc y.


Bộ ngọc y hoàn chỉnh của Trung Sơn Tĩnh vương được làm từ 2498 miếng ngọc bích, khâu lại với nhau bằng 1,1 kg chỉ khâu vàng. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Ngọc y, bộ trang phục mai táng làm bằng ngọc, được Sina mệnh danh là "siêu bảo vật quốc gia" với giá trị lên tới 2,4 tỷ NDT cho mỗi chiếc (được định giá bởi các chuyên gia đầu ngành tại Bảo tàng Cố Cung).

Đúng với cái tên của mình, bộ trang phục được làm hoàn toàn bằng hàng trăm viên ngọc bích mài nhẵn nhụi, những mảnh ngọc chủ yếu có hình vuông hoặc hình chữ nhật, ngoài ra còn có loại hình tam giác, hình thang và hình thoi.

Các mảnh ngọc thường nối với nhau bằng dây vàng nguyên chất hoặc dây bạc, đồng; dây được luồn qua các lỗ khoan nhỏ ở mỗi góc mảnh ngọc.

Theo Hậu Hán thư, loại dây được sử dụng để khâu ngọc y sẽ tùy thuộc vào thân phận của người mặc. Ngọc y chỉ vàng được coi là trang phục mai táng cao cấp nhất, chỉ được dùng cho hoàng đế.

Hoàng tử, công chúa và những người trong hoàng thất được dùng sợi chỉ bạc; những quý tộc có phẩm cấp thấp hơn có thể sử dụng y phục chỉ đồng hoặc chỉ lụa.

Người xưa có một niềm tin mê tín rằng ngọc bích có tác dụng bảo quản xương cốt, giữ cho cơ thể người chết toàn vẹn để chờ cơ hội tái sinh. Thêm vào đó, áo ngọc còn thể hiện danh tính cao quý của chủ nhân mộ, người được mặc trang phục này chắc chắn phải là bậc quý tộc chứ không thể là dân thường.


Trên thực tế, những thi thể bên trong ngọc y vẫn bị phân rã bình thường. (Ảnh: Ancientpages).

Thiết kế của ngọc y giống như một bộ áo giáp, trùm kín từ đầu tới chân. Hình dáng bộ quần áo ôm sát cơ thể người với phần đầu có thiết kế mặt nạ che kín mặt, hai bàn tay tạo hình nắm tay, chân hình đôi giày.

Mọi chi tiết đều được nghệ nhân chế tác công phu, tỉ mỉ. Quy trình sản xuất một bộ quần áo còn đòi hỏi rất nhiều lao động và ước tính mất vài năm để hoàn thành.

Vàng đắt nhưng có giá, ngọc bích thì vô giá

Trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc, người xem thường được thấy bảo vật của các gia đình không làm bằng vàng, bạc mà có chất liệu ngọc, ví dụ như chiếc vòng ngọc hay miếng ngọc bội. Chiếc ấn quý của các hoàng đế cũng thường là ấn ngọc.

Vì lý do gì mà ngọc lại được xã hội phong kiến Trung Quốc trân trọng đến vậy? Sohu đã đưa ra lời lý giải như sau:

Theo quan điểm của người xưa, vàng là thứ kim loại có thể xử lý bằng nhiệt, đúc theo khuôn để gia công thành những món đồ có hình dáng theo ý muốn, nhưng ngọc bích thì không.

Những chi tiết mặt nạ, bàn tay vô cùng tỉ mỉ trên bộ ngọc y. (Ảnh: Ancientpages)

Không thể có hai miếng ngọc giống nhau hoàn toàn tồn tại trên đời, ngọc bích sẽ luôn khác nhau về độ sáng, độ trong suốt, hình dáng vân đá. Một món đồ ngọc luôn là duy nhất nên không thể đo lường bằng giá trị thống nhất.

Trong xã hội phong kiến, vàng là biểu tượng của tiền tài; địa chủ hay thương gia chỉ cần giàu có là thể đeo trang sức vàng tùy thích.

Tuy nhiên, người đeo ngọc lại phải là người có địa vị danh giá, có gu thẩm mỹ cao, chứ không đơn thuần là có tiền. Yêu ngọc, thưởng ngọc từ đó đã trở thành nét văn hóa lâu đời tại Trung Quốc.

Bởi vậy, cổ ngữ Trung Hoa mới có câu: "Vàng có giá, ngọc vô giá".

Quy tắc bất thành văn của mộ tặc

Vậy vì sao ngọc bích giá trị như vậy mà mộ tặc luôn bỏ lại ngọc y trong các lăng mộ? Đây hóa ra là một quy luật bất thành văn của giới mộ tặc.

Những chiếc áo ngọc rõ ràng là món bảo vật thuộc về nhà vua và hoàng tộc, không thể tìm thấy ở nơi đâu khác. Thường dân còn không thể đeo một mảnh ngọc trên người, huống chi là sở hữu món đồ ngọc giá trị đến vậy.

Nếu lấy đi ngọc y, kẻ trộm mộ chắc chắn không thể tẩu tán đi đâu. Kể cả khi cả gan đem bán cho người khác, tên trộm cũng sẽ để lộ tội ác của mình và bị trừng trị nghiêm khắc.Vì lý do này, những kẻ trộm mộ dù tham lam đến đâu cũng tuyệt đối không mạo hiểm đụng tới món cổ vật này.

Trong hầu hết các địa điểm khai quật lăng mộ triều Hán, đội khảo cổ chỉ tìm thấy những mảnh ngọc bích vương vãi vì kẻ trộm đã phá hủy bộ quần áo để lấy những sợi chỉ vàng bên trong.

Cho đến năm 1968, hai chiếc áo ngọc bích hoàn chỉnh đầu tiên đã được tìm thấy trong lăng mộ Trung Sơn Tĩnh vương, vua một nước chư hầu thời Hán, và hoàng hậu của ông, theo nguồn tin từ Tân Hoa Xã.

Nhờ có quy tắc ngầm này của giới mộ tặc mà đến ngày nay, vẫn còn hơn 20 bộ áo ngọc bích được tìm thấy và lưu giữ trong các bảo tàng tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên tắc của những tên trộm mộ cổ đại, những kẻ đào mộ hiện đại không còn quan tâm tới những điều này nữa. Chúng sẵn sàng lấy đi bất kỳ món cổ vật nào có giá trị trong lăng, không chỉ đồ tùy táng mà đôi khi cả chiếc quan tài và thi thể của chủ nhân ngôi mộ.

 

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất