Người Ai Cập cổ cũng như chúng ta, nghỉ làm phải xin phép cấp trên, toàn lý do quen thuộc

Cân bằng cuộc sống - công việc không phải là vấn đề "độc quyền" của người hiện đại. Hóa ra, từ thời xa xưa, người Ai Cập cổ đại đã phải vật lộn với vấn đề này hàng ngày. Hơn nữa, họ cũng bị "cấp trên" giám sát chặt chẽ.

Một phiến đá được lưu trữ ở bảo tàng Anh mới đây đã chứng minh điều này. Theo đó, tài liệu cổ được ghi lại vào năm 1250 trước Công nguyên và lưu trữ lịch nghỉ làm kèm lý do nghỉ của 40 nhân công.


Phiến đá lưu trữ lịch nghỉ làm của nhân công Ai Cập cổ.

Phiến đá vôi hơn 3200 năm tuổi được viết bằng chữ Ai Cập cổ thời Tân Vương quốc với mực đỏ và đen. Nội dung ghi chép từng ngày rõ ràng, ví dụ như "tháng thứ 4 của mùa đông, ngày 24".

Trong ngày đó, một nhân công tên Pennub đã xin nghỉ làm vì mẹ anh ta bị ốm. Một người khác cũng xin ở nhà vì bản thân thấy không khỏe. Người tên Huynefer thường xuyên bị "đau mắt", trong khi đồng nghiệp Seba thì bị bọ cạp cắn. Một số lý do phổ biến khác bao gồm cả ướp xác cho người thân qua đời.

Thú vị hơn, có vài lý do xin nghỉ nghe rất kỳ quặc với người hiện đại, nhưng lại vô cùng thông dụng với người lao động thời đó. Chẳng hạn, nấu bia là một lý do phổ biến. Vào thời Ai Cập cổ đại, bia là một thức uống tinh thần quan trọng, có ý nghĩa được gắn với các vị thần, vì vậy nấu bia là một hành động rất được tôn trọng.

Cũng không thiếu những nguyên do "nghe vô lý nhưng lại khá thuyết phục". Có người xin nghỉ ở nhà vì "vợ hoặc con gái bị chảy máu".

Nhà khảo cổ học tính toán, đây có lẽ là cách nói khác của kỳ kinh nguyệt. Người ta tin rằng vào những thời điểm này, đàn ông cần phải ở nhà để phụ giúp việc nội trợ. Mặc dù đây khó có thể là một lý do chính đáng vào thời hiện đại, chúng ta có thể đoán rằng người Ai Cập cổ cũng không kém sáng tạo và "chiêu trò" đâu.

Theo nhiều tài liệu vào thời kỳ này, nguyên nhân nghỉ việc phổ biến nhất là vì vấn đề sức khỏe, vốn chiếm khoảng 30% tổng số lần vắng mặt tại công trường. Tuy nhiên, chính quyền Ai Cập cổ dường như rất chú trọng đến quyền lợi của người lao động, khi họ có hẳn một chế độ chăm sóc sức khỏe khá phát triển.


Tranh minh họa một y sĩ Ai Cập cổ đang chăm sóc bệnh nhân.

Theo đó, người lao động bị ốm vẫn được trả lương đều đặn, kể cả khi vắng mặt nhiều ngày. Hơn nữa, mỗi công trình đều có y sĩ và trợ lý để chăm sóc sức khỏe cho đồng nghiệp.

Những "nhân viên y tế" này được trả thêm khẩu phần. Người ta cũng tin rằng việc chăm sóc sức khỏe cho nhân công không phải là một hành động nghĩa hiệp đơn thuần của chính quyền Ai Cập cổ, mà có một hệ thống được tính toán và hoạt động bài bản hẳn hoi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất