Người Hobbit là người tiền sử bị Down?
Các nhà nghiên cứu vừa đưa ra luận điểm mới trong cuộc tranh cãi xung quanh nhân dạng thật sự của bộ xương người hóa thạch có niên đại hơn 18.000 năm (gọi là LB1) được tìm thấy tại đảo Flores của Indonesia vào năm 2004.
Vào thời điểm công bố cách đây 1 thập niên, giới chuyên gia gọi đây là một loài người mới, không giống người hiện đại (Homo sapiens), và dưới ảnh hưởng của loạt phim Chúa tể những chiếc nhẫn, chúng được đặt tên không chính thức là "người Hobbit", tên khoa học Homo floresiensis. Tuy nhiên, một số nhà nhân chủng học không ít lần thách thức sự tồn tại của "người Hobbit”, cho rằng đây chỉ là một trường hợp người Homo sapiens mắc một chứng bệnh nào đó khi còn sống.
Hộp sọ “Hobbit” (trái) với hộp sọ người hiện đại - (Ảnh: ĐH Adelaide)
Trong báo cáo mới đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences, Giáo sư Robert B.Eckhardt của Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) cho rằng LB1 thuộc về một người mắc hội chứng Down, thiểu năng về trí tuệ và thể chất.
Kết quả phân tích ban đầu về hộp sọ LB1 cho thấy não của mẫu vật chỉ bằng 1/3 so với người hiện đại trung bình, và "người Hobbit" chỉ cao khoảng 1m. Tuy nhiên, cuộc thẩm định mới lại bác bỏ kết luận trước đây, với số liệu cho thấy khối lượng não của LB1 rơi vào ngưỡng người mắc hội chứng Down ở cùng khu vực địa lý.
Chuyên gia Eckhard cùng với các đồng sự Úc và Trung Quốc kết luận rằng hộp sọ ở Flores thuộc về một người hiện đại nhưng phát triển bất thường. Một điểm cần chú ý là LB1 xuất hiện cách đây khoảng 18.000 năm, trong khi tổ tiên của người hiện đại đã định cư trên đảo Flores và phần còn lại của Indonesia trong ít nhất 40.000 năm. Tỷ lệ mắc hội chứng Down trên toàn thế giới là hơn 1/1.000 ca sinh, nên có thể các chuyên gia đã tình cờ chọn phải hóa thạch của một người tiền sử bị Down.
Tất nhiên, trong thời gian tới, dự kiến phe ủng hộ người Homo floresiensis sẽ tiếp tục đưa ra chứng cứ mới để bảo vệ lập trường của mình.