Nguy cơ ung thư vú khi tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh
Những cô gái trẻ tiêu thụ đồ ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên có khả năng bị ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh.
Nhiều nghiên cứu khoa học trước đây cho thấy một chế độ ăn nhiều đường, carbohydrate, các loại thịt chế biến sẵn và bơ thực vật sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh tim.
Nhưng một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học California, Los Angeles cho thấy thức ăn nhanh có thể gây tổn hại cho các thiếu nữ, đặc biệt ở giai đoạn cơ thể dậy thì và bộ ngực đang phát triển.
Theo Tiến sĩ Karin Michels, tác giả chính của nghiên cứu này, trong suốt thời niên thiếu và những năm đầu của độ tuổi trưởng thành, cơ thể và các tuyến vú sẽ phát triển nhanh chóng nên đặc biệt nhạy cảm với các yếu tố liên quan đến lối sống, thực phẩm, dinh dưỡng được hấp thụ.
Thực phẩm chế biến sẵn gây ảnh hưởng đến bộ ngực đang trong giai đoạn phát triển của các cô gái trẻ. (Ảnh: Getty).
Các cô gái nên có một chế độ ăn uống nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, hạt giống và các loại đậu. Tránh tiêu thụ soda và các thực phẩm có lượng đường cao, carbohydrate tinh chế, và các loại thịt chế biến sẵn.
Trong nghiên cứu kéo dài hơn 20 năm, Michels và các đồng nghiệp lấy kết quả từ 45.204 phụ nữ. Những người này cùng trả lời một bảng câu hỏi về chế độ ăn uống của họ trong trường trung học và tình hình sức khỏe hiện tại của họ. Lần kiểm tra đầu tiên bắt đầu năm 1991, khi những người phụ nữ ở độ tuổi 27-44. Sau đó, cứ 4 năm một lần, bảng câu hỏi lại được đưa ra để được kiểm tra.
Những người phụ nữ được chia thành năm nhóm dựa trên sự khác nhau của chế độ ăn uống thời thiếu niên của họ. Kết quả cho thấy, 870 người hoàn thành bảng câu hỏi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú tiền mãn kinh và 490 đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú sau mãn kinh. Những người trong nhóm ăn nhiều đồ ăn nhanh có nguy cơ bị ung thư vú tiền mãn kinh cao hơn những người ít ăn 35%.
Thức ăn nhanh có thể gây tổn hại cho các thiếu nữ, đặc biệt ở giai đoạn cơ thể dậy thì và bộ ngực đang phát triển.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng một chế độ ăn uống nhiều đồ ăn nhanh trong thời thiếu niên hay tuổi trưởng thành có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trẻ trước khi mãn kinh", Michels nói.
Tuy nhiên, tiến sĩ Michels cũng khẳng định chế độ ăn uống không liên quan với tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú nói chung hay ung thư vú sau mãn kinh. Nguy cơ ung thư vú của mỗi phụ nữ là khác nhau dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố di truyền, nhân khẩu học và lối sống.