Nhà khoa học tạo ra cừu Dolly qua đời ở tuổi 79

Giáo sư Sir Ian Wilmut, nhà khoa học người Anh, đứng đầu nhóm nhân bản cừu Dolly, vừa qua đời ở tuổi 79.

Cái chết của nhà nghiên cứu được mệnh danh "người khổng lồ trong giới khoa học" xảy ra vào thời điểm 5 năm sau khi ông tiết lộ mình bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Trớ trêu thay, đây cũng chính là căn bệnh mà cừu nhân bản Dolly - thành tựu cuộc đời ông - được kỳ vọng sẽ mang lại phương pháp chữa trị.


Giáo sư Sir Ian Wilmut, nhà khoa học tạo ra cừu Dolly, qua đời ngày 10/9/2023, ở tuổi 79. (Ảnh: Guardian).

Dẫu vậy, bước đột phá từ cừu Dolly vẫn tiếp tục chứng minh giá trị khi thúc đẩy nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y học tái tạo mà chúng ta được thấy ngày nay.

"Ông ấy là một người khổng lồ trong thế giới khoa học", giáo sư Sir Peter Mathieson, hiệu trưởng Đại học Edinburgh, cho biết. "Thí nghiệm của Wilmut đã làm thay đổi toàn bộ tư duy khoa học vào thời điểm ấy".

Giáo sư Bruce Whitelaw, giám đốc Viện Roslin, thì nói rằng: "Với tin buồn hôm nay về sự ra đi của Ian Wilmut, giới khoa học đã mất đi một cái tên quen thuộc".

"Cừu Dolly, di sản của ông ấy, đã thúc đẩy rất nhiều ứng dụng thú vị xuất hiện từ nghiên cứu sinh học động vật và con người", giáo sư Whitelaw chia sẻ trong một bài đăng trên Twitter.


Ian Wilmut tại Viện Roslin, Edinburgh, năm 1999. (Ảnh: Guardian).

Dolly là con cừu đầu tiên được nhóm nghiên cứu do giáo sư Sir Ian Wilmut dẫn đầu tạo ra từ tế bào vú nuôi cấy vào ngày 5/7/1996. Trước giai đoạn đó, cừu chỉ có thể được nhân bản từ tế bào phôi.

Phương pháp này kết hợp tuyến vú của một con cừu 6 tuổi thuộc giống Finn Dorset với tế bào trứng lấy từ con cừu thuộc giống Blackface Scotland.

Bước đột phá trên đã đánh dấu đỉnh cao trong sự nghiệp của giáo sư Wilmut, người đã cống hiến cả cuộc đời cho khoa học trong lĩnh vực động vật và bảo quản lạnh từ cuối những năm 1960.

Dẫu vậy, giáo sư Wilmut chưa bao giờ che giấu sự thật rằng việc tạo ra cừu Dolly phần nhiều là do may mắn, khi nó là con cừu duy nhất còn sống sót sau 277 lần thử nhân bản.

Năm 1973, ông tiếp tục là thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Cambridge đã tạo ra Frostie, chú bê con đầu tiên được sinh ra từ phôi đông lạnh.


Cừu Dolly - thành tựu đã làm thay đổi toàn bộ tư duy khoa học. (Ảnh: Getty).

Lại nói về Dolly, con cừu được đặt tên theo ca sĩ nhạc đồng quê Dolly Parton, nó đã sinh hạ 6 con cừu con và dành phần lớn cuộc đời giữa một đàn cừu nhân bản tại Viện Roslin, Anh.

Cừu Dolly qua đời vào năm 2003, khi mới 6 tuổi, do mắc chứng viêm khớp và bệnh phổi do virus gây ra.

Đến nay, di sản quan trọng nhất của giáo sư Ian Wilmut và cừu Dolly là sự thúc đẩy to lớn cho việc nghiên cứu tế bào gốc.

Sự thành công trong việc tạo ra cừu Dolly cho thấy các gene trong nhân của tế bào trưởng thành vẫn có thể quay trở lại trạng thái phôi thai toàn năng, nghĩa là tế bào có thể phân chia để tạo ra tất cả các tế bào khác biệt ở động vật.

Năm 2006, kỹ thuật tương tự cho việc tạo ra cừu Dolly đã được các nhà khoa học áp dụng để tạo ra "tế bào gốc đa năng cảm ứng" (tế bào iPS) từ tế bào da người trưởng thành.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất