Nhận diện khuôn mặt so với xác thực khuôn mặt: Tưởng giống nhau, nhưng không phải thế
Và tại sao bạn cần phân biệt được chúng?
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang diễn ra hết sức gay gắt tại Mỹ, một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới - bao gồm Amazon, IBM, và Microsoft - đã tuyên bố sẽ cấm lực lượng hành pháp nước này sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt của họ.
Nhận diện khuôn mặt
Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ chụp, phân tích... nhằm xác định danh tính của một người.
Ngay từ khi "thai nghén" ý tưởng, công nghệ nhận diện khuôn mặt đã gặp phải nhiều nghi ngại và tranh cãi. Nhận diện khuôn mặt là khi một công ty thu thập hàng tỷ bức ảnh từ mạng xã hội mà không hề thông báo cho bất kỳ ai, xây dựng nên một ứng dụng nhận diện khuôn mặt với phạm vi hoạt động gần như rộng khắp, dẫn đến nguy cơ xâm phạm quyền tự do lẫn riêng tư của con người, và góp phần làm nghiêm trọng thêm tình trạng phân biệt chủng tộc.
Thông thường, công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ chụp, phân tích, và lưu trữ các bản quét khuôn mặt nhằm xác định danh tính thực sự của một người. Sau đó, nó sẽ so sánh thông tin thu thập được từ bản quét với một cơ sở dữ liệu gồm các khuôn mặt đã biết để tìm kết quả trùng khớp. Dù xét về khía cạnh xã hội, hành vi nhận dạng khuôn mặt mà chưa được sự cho phép của người dùng là rất đáng quan ngại, các cơ chế bảo mật (hay tình trạng thiếu các cơ chế bảo mật) nhằm ngăn không cho các hacker xâm nhập vào các máy chủ chứa cơ sở dữ liệu, cũng như sự thiếu chính xác ngày càng tăng lên, cũng đáng quan ngại không kém.
Hành vi nhận dạng khuôn mặt mà chưa được sự cho phép của người dùng là rất đáng quan ngại.
Đó là những vấn đề rất thật cần được thảo luận trong ngành công nghiệp, chính phủ, và cộng đồng nói chung, để chúng ta có thể tìm ra những hướng sử dụng loại công nghệ này mà không xâm phạm vào quyền riêng tư của con người. Và đó là lúc chúng ta cần đề cập đến một công nghệ khác có liên quan đến nhận diện khuôn mặt, nhưng lại khác biệt về cơ bản: xác thực khuôn mặt.
Xác thực khuôn mặt
Trước khi đi sâu hơn, bạn cần biết rằng có hai phương thức xác thực khuôn mặt - hay xác thực bất kỳ loại dữ liệu sinh trắc học nào: "trùng khớp trên máy chủ" và "trùng khớp trên thiết bị". Phương thức đầu tiên có cùng một số nguy cơ như công nghệ nhận diện khuôn mặt bởi nó lưu trữ các chi tiết về những đặc điểm riêng tư nhất của một người - như khuôn mặt hay dấu vân tay - trên một máy chủ mà mức độ bảo mật không thể ước đoán được. Bạn hẳn từng nghe nhiều vụ việc các cơ sở dữ liệu sinh trắc học bị hack, và đó là lý do tại sao rất nhiều công ty ưu tiên sử dụng phương thức sinh trắc học trên thiết bị.
Sử dụng xác thực "trùng khớp trên thiết bị", quy trình quét khuôn mặt sẽ so sánh khuôn mặt hiện tại với bản quét khuôn mặt đã lưu trên thiết bị trước đó; nó không hề tìm kiếm trên đám mây để thu về kết quả, mọi thứ chỉ gói gọn trong phạm vi thiết bị mà thôi. Quy trình quét đơn giản là xác nhận người đang yêu cầu được truy xuất đến một laptop, smartphone, hay một website cụ thể thực sự là người mà họ khẳng định. Phương thức này sử dụng một phép so sánh trực tiếp giữa bản quét này với bản quét kia và cho phép người dùng tiếp cận máy tính, website, hay một ứng dụng mà không phải sử dụng mật mã.
Face ID của Apple, vốn được xem là ứng dụng xác thực khuôn mặt nổi tiếng nhất. (Ảnh minh họa).
Face ID của Apple, vốn được xem là ứng dụng xác thực khuôn mặt nổi tiếng nhất, sẽ mã hoá dữ liệu trên một con chip trong thiết bị của người dùng - các phương thức sinh trắc học qua camera hay cảm biến vân tay của Google Android và Windows Hello của Windows 10 cũng tương tự. Có nghĩa là, kể cả khi những thiết bị đó bị mất hoặc bị đánh cắp, quy trình quét sinh trắc học vẫn sẽ giúp bảo vệ dữ liệu bên trong trước những kẻ xấu.
Một điểm chung đối với những thiết bị tích hợp xác thực khuôn mặt là chúng đều hỗ trợ các chuẩn FIDO công nghiệp mà các nhà cung cấp dịch vụ đang hợp tác phát triển cùng các nhà sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới, và sẽ ngày càng được hoàn thiện để mang lại cho người dùng những trải nghiệm đăng nhập đơn giản và an toàn hơn, thay vì dựa vào mật mã vốn rất dễ bị đánh cắp hay hack.
Như vậy, xác thực khuôn mặt không chỉ khác nhận diện khuôn mặt, mà nó còn là phương thức dễ dàng nhất và bảo mật nhất để đăng nhập vào thiết bị của bạn - và sẽ sớm thôi, có thể cho phép bạn đăng nhập vào các website nữa.
- 7 loại thực phẩm giúp bạn trông trẻ trung hơn tức thì
- Bí mật "cỗ máy" tiêu tốn 1,5 tỷ USD tại Mỹ: Thứ gì khiến nó sống sót ở mức nhiệt 1.377 độ C?
- Tìm thấy cá tầm dài 2m trên tàu đắm từ thế kỷ 15