Nhật Bản phát minh gián lai robot cứu hộ động đất

Trong trường hợp một trận động đất lớn xảy ra và có người mắc kẹt dưới lớp đất đá sụp đổ, một bầy gián lai robot ắt hẳn sẽ là lực lượng phản ứng hiệu quả trong việc xác định vị trí các nạn nhân.

Theo hãng tin Reuters, một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đang nghiên cứu một ứng dụng được cho là đột phá gắn những chiếc "ba lô" pin Mặt trời và thiết bị điện tử lên gián, điều khiển chuyển động của chúng bằng điều khiển từ xa.


Thiết bị điện tử gắn trên lưng gián. (Ảnh: Reuters)

Nhà khoa học Kenjiro Fukuda cùng các cộng sự tại phòng thí nghiệm Thin-Film Device thuộc tập đoàn nghiên cứu Riken đã phát triển một màng phim Mặt trời dày 4 micromet, bằng khoảng 1/25 độ dày sợi tóc người, có thể nằm gọn trên lưng của loài côn trùng.

Màng phim cho phép con gián di chuyển tự do trong khi pin Mặt trời tạo ra đủ năng lượng để xử lý và gửi tín hiệu định hướng đến các cơ quan cảm giác trên chân sau của con gián.

Nhà khoa học Fukuda giải thích: “Nếu sử dụng robot hoàn toàn, pin của chúng sẽ hết nhanh và thời gian hoạt động sẽ bị rút ngắn đi. Trong khi đó, một lợi thế của gián lai robot là chúng chuyển động sẵn, vì vậy lượng điện cần để hoạt động là không nhiều”.

Nhóm của ông Fukuda đã chọn loài gián Madagascar để thí nghiệm vì kích thước của chúng đủ lớn để mang theo thiết bị và không có bộ phận cánh cản đường.

Một trong những thách thức mà các nhà khoa học gặp phải trong quá trình thí nghiệm là thu nhỏ các linh kiện để con gián có thể di chuyển dễ dàng hơn hay cho phép gắn các bộ phận cảm biến hoặc thậm chí máy ảnh. Nhà khoa học Yujiro Kakei cho biết ông đã chế tạo ra một chiếc ba lô cảm biến từ các linh kiện có giá trị 5.000 yên được mua tại khu điện tử Akihabara ở Tokyo.

Sau khi kết thúc nhiệm vụ, phần phim gắn trên người con vật có thể được loại bỏ để con vật trở lại cuộc sống bình thường. Giai đoạn trưởng thành của loài gián này kéo dài 4 tháng và chúng có thể sống thọ tới 5 năm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất