Nhật nhân bản thành công tế bào chuột chết
Bằng kỹ thuật nhân bản vô tính, các nhà khoa học Nhật Bản vừa thành công trong việc tạo ra những phiên bản sống của một con chuột đã chết từ lâu.
Con chuột lìa đời từ 16 năm trước, nhưng xác của nó được bảo quản cẩn thận trong môi trường đông lạnh. Thử nghiệm được thực hiện 11 năm sau khi các nhà khoa học Anh khiến thế giới sửng sốt với việc nhân bản thành công cừu Dolly. Sau đó nhiều loại động vật khác đã được nhân bản, nhưng người ta chỉ sử dụng vật chất di truyền từ tế bào sống. Đây là lần đầu tiên giới khoa học nhân bản thành công động vật chết.
Trước đây nhiều chuyên gia nghĩ rằng các tinh thể băng sẽ hủy diệt ADN trong các tế bào được ướp lạnh. Vì thế mà trước khi khi bảo quản tế bào trong môi trường đông lạnh, các nhà khoa học thường xử lý chúng bằng các hóa chất bảo vệ mô đông lạnh để ngăn chặn các tổn thương.
Con chuột chết cách đây 16 năm. (Ảnh: Daily Mail) |
Nhưng nhóm nghiêu cứu của Trung tâm Sinh học phát triển tại thành phố Kobe (Nhật Bản) không làm vậy. Họ từng thử dùng tế bào ở các bộ phận khác trên cơ thể con chuột để nhân bản, nhưng không thành công. Cuối cùng họ chọn tế bào não vì tin rằng hàm lượng mỡ cao trong các mô não giúp ADN không bị tổn thương. Họ tách nhân của các tế bào (nơi chứa ADN) và cấy chúng vào một tế bào trứng hình đĩa của một con chuột cái sống.
Do được "kích thích" bằng điện, các tế bào trứng bắt đầu phân chia và phát triển thành phôi thai. Chỉ sau vài ngày phôi được cấy vào tử cung của một con chuột cái. Ba tuần tiếp theo chuột con chào đời. "Lũ chuột nhân bản không có triệu chứng bất thường và đang lớn", tiến sĩ Teruhiko Wakayama, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo các nhà khoa học, ngay cả khi sử dụng tế bào não, xác suất thành công trong những ca nhân bản vẫn rất thấp. Theo thống kê, các chuyên gia trên khắp hành tinh từng tiến hành hơn 1.100 ca nhân bản động vật, nhưng chỉ mới tạo ra được 7 phiên bản sống. Hơn 500 phôi thai chết sau khi được cấy vào tử cung của con cái.
Hậu duệ của con chuột chết. (Ảnh: PA/Daily Mail) |
"Kỹ thuật nhân bản có tỷ lệ thất bại lớn vì nhiều trứng và bào thai phát triển không bình thường. Vì thế, giới khoa học chưa nghĩ tới khả năng ứng dụng kỹ thuật này trên cơ thể người", Helen Wallace, một chuyên gia về nhân bản vô tính của tổ chức Genewatch tại Anh, phát biểu.
Nhóm nghiên cứu khẳng định thành quả của họ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con người. Chẳng hạn, các nhà khoa học có thể dùng kỹ thuật của họ để hồi sinh những động vật đã tuyệt chủng nhưng được bảo quản nguyên vẹn trong băng, như hổ răng kiếm, voi ma mút.