Nhện có thể dụ đom đóm đực “sa lưới” bằng “tiếng gọi của tình yêu”
Nghiên cứu cho thấy loài nhện có thể điều khiển những tia sáng của đom đóm đực mắc vào lưới của chúng để bắt chước “tiếng gọi giao phối của con cái".
Nhện đã tiến hóa với một loạt kỹ thuật săn mồi ấn tượng - từ việc bẫy con mồi bằng nước bọt đến tạo ra những “tấm lưới” đủ chắc để bắt rắn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một chiến thuật đặc biệt độc hại mà một số loài nhện “dệt lưới” có thể sử dụng để lừa đom đóm vào lưới của chúng.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Current Biology phát hiện ra rằng một số loài nhện dường như điều khiển tín hiệu nhấp nháy những con đom đóm đực đã mắc vào mạng nhện để bắt chước tín hiệu của con cái.
“Tiếng gọi tình yêu” lấp lánh này thu hút những con đom đóm đực khác đến mạng nhện, giống như tiếng hát của nàng tiên cá thu hút những thủy thủ đến với cái chết.
Các nhà nghiên cứu tin rằng nhện có thể thao túng các tín hiệu phát quang sinh học mà đom đóm sử dụng để tìm bạn tình. (Nguồn: National Geographic)
Dinesh Rao, nhà nghiên cứu tại Đại học Veracruzana, cho biết ý tưởng về việc loài nhện trì hoãn bữa ăn và dùng con mồi làm mồi nhử tự nó đã rất hấp dẫn.
"Nhện luôn đói, đúng không? - Vì vậy, để nói rằng "Được rồi, ta sẽ không ăn con đom đóm này ngay bây giờ và ta sẽ đợi con tiếp theo", thì điều đó thật thú vị".
Nhưng trong khi Rao và các chuyên gia khác đồng ý rằng có điều gì đó đang thay đổi kiểu nhấp nháy của những con đom đóm đực bị “nuôi nhốt”, họ cho biết cần nghiên cứu thêm để xác định xem liệu loài nhện có thực sự “đứng sau hành động này” hay không và chúng thực hiện điều đó bằng cách nào.
“Tiếng gọi tình yêu chết người”
Khi quan sát mạng nhện ngoài đồng vào năm 2004 trong quá trình nghiên cứu Tiến sỹ, Xinhua Fu, nhà nghiên cứu đom đóm từ Đại học Nông nghiệp Hoa Trung ở Trung Quốc và là tác giả chính của nghiên cứu, đã nhận thấy một điều kỳ lạ: Chỉ có đom đóm đực mới bị mắc vào bẫy “chết người” của nhện. Kỳ lạ hơn, một số con đực bị mắc bẫy còn phát ra tín hiệu nhấp nháy giống như của con cái.
Liệu loài nhện có liên quan gì đến hiện tượng này không?
Để điều tra, Fu và nhóm của ông đã đến một ngôi làng gần Vũ Hán (Trung Quốc), trong một khu vực đất nông nghiệp rải rác những cánh đồng lúa và ao hồ. Ở đó, họ chọn nghiên cứu Araneus ventricosus - một loài nhện “dệt lưới” phổ biến: Mỗi tối loài nhện này lại “dệt” một tấm lưới mới, khi đom đóm cũng đang hoạt động.
Nhóm nghiên cứu đã dùng lưới bắt đom đóm đực rồi đặt chúng lên mạng nhện bằng nhíp nhỏ. Sau đó, họ đặt máy quay quan sát những gì xảy ra trên mạng nhện trong các tình huống khác nhau.
"Khi một con đom đóm đực bị mắc vào lưới, đầu tiên con nhện quấn chặt con đom đóm rồi cắn vào ngực nó, tiêm một lượng nhỏ nọc độc" - Fu giải thích. Sau đó, con nhện để con đom đóm đực ở giữa lưới và ẩn mình ở mép lưới.
Chẳng mấy chốc, con đom đóm bị mắc kẹt bắt đầu tạo ra các tín hiệu nhấp nháy giống như con cái - bao gồm các xung nhấp nháy đơn - thu hút những con đom đóm đực khác đang tìm kiếm bạn tình đến mạng nhện.
Khi con đom đóm ngừng nhấp nháy, con nhện lặp lại thao tác. Fu cho biết toàn bộ quá trình thường kéo dài trong hai giờ, sau đó con nhện bắt đầu ăn thịt con mồi của mình.
Fu cho hay nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên về hành vi này vì nhện lưới được biết là có thị lực kém. Mặc dù vậy, có vẻ như chúng "vẫn có thể phát hiện ra các kiểu nhấp nháy với cường độ khác nhau".
Cần thêm bằng chứng
Nhưng điều gì thực sự khiến tín hiệu nhấp nháy của đom đóm thay đổi?
Fu và nhóm nghiên cứu của ông đưa ra giả thuyết rằng loài nhện đã điều khiển tín hiệu nhấp nháy của đom đóm theo một cách nào đó - họ suy đoán có lẽ thông qua nọc độc của chúng. Nhưng cần có thêm bằng chứng để hỗ trợ cho giả thuyết này.
Nhện được biết đến là loài sử dụng những tín hiệu bắt chước và đánh lừa để bắt con mồi. (Nguồn: National Geographic)
“Nhìn chung, bài báo rất thú vị” - Rao nói. “Điều duy nhất mà tôi không hoàn toàn tin tưởng là liệu nhện có thực sự làm gì đó để thay đổi cách nhấp nháy của đom đóm đực hay không”. Ông lưu ý rằng cần có một nghiên cứu thần kinh học để hiểu chính xác điều gì gây ra sự thay đổi này.
Kathryn M. Nagel, một ứng viên Tiến sỹ chuyên về hành vi của loài nhện tại Đại học California, Berkeley, nhất trí với Rao. Cô cho rằng "cần nghiên cứu thêm để xác định xem loài nhện có trực tiếp “thao túng” hành vi phát tín hiệu của đom đóm hay không.
Fu cho biết bước tiếp theo, ông và nhóm của mình muốn nghiên cứu “nọc độc của nhện lưới ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát phát sáng của đom đóm như thế nào”.
Nhện được biết đến là loài sử dụng những tín hiệu bắt chước và đánh lừa để bắt con mồi. Ví dụ, một số loài nhện săn những con nhện khác, sử dụng "tín hiệu mạng nhện để bắt chước con mồi đã bắt được, nhằm dụ con nhện ‘mục tiêu’ đến gần chúng" - Nagel nói.
Nagel cho biết: "Động vật chân đốt thường được coi là những sinh vật 'đơn giản' không có những hành vi tinh vi, nhưng điều này không đúng".
"Nghiên cứu này và những nghiên cứu tương tự khác nhấn mạnh cách các sinh vật trước đây bị "coi nhẹ" có khả năng thực hiện hành vi phức tạp, và chúng ta vẫn còn nhiều điều phải tìm hiểu về hành vi của loài nhện" - cô nói.
- 12 loài nhện độc đáng sợ nhất với con người
- Những loài động vật ăn thịt đồng loại đáng sợ nhất
- Những điều có thể bạn chưa biết về loài nhện độc nhất thế giới