Nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt đang thử thách giới hạn sinh tồn của con người

Biến đổi khí hậu đang làm nhiệt độ tăng lên cũng như khiến nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn và gay gắt hơn. Yếu tố độ ẩm và thời tiết khắc nghiệt đã thử thách giới hạn của cơ thể con người.

Năm 2022, khi cái nóng gay gắt tấn công Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal và Sri Lanka, New Delhi đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục hơn 49 độ C. Theo một ước tính, 90% trong nền dân số 1,4 tỷ người Ấn Độ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe hoặc kinh tế trong đợt nóng này.

Năm nay, các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo thời tiết khắc nghiệt đối với nhiều khu vực của Ấn Độ trong tháng 6 tới – một tin xấu đối với lưới điện, mùa màng và hàng trăm triệu người lao động. Thời tiết nóng và khô bất thường cũng sẽ hoành hành tại mùa hè này ở châu Âu.


Người dân làm mát trong ngày nắng nóng gay gắt tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

1. Điều gì khiến nhiệt độ cực cao trở nên nguy hiểm?

Có nhiều lý do. Con người dễ bị mất nước ở nhiệt độ cao, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nhiệt cao có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là ở những nơi có mức độ ô nhiễm cao.

Nỗi căng thẳng về nhiệt cao cũng khiến mọi người khó làm việc hơn và tăng rủi ro bị chấn thương. Thật khó để biết chính xác có bao nhiêu người chết vì nắng nóng mỗi năm do hầu hết không được thống kê.

Không có con số chính thức về thiệt hại do cháy rừng năm 2022 ở Ấn Độ và Pakistan, nhưng con số ban đầu 90 người chết chắc chắn là quá thấp. Các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng nhiều hơn các nền kinh tế phát triển, vì thường ít được nghỉ ngơi dưới ánh nắng mặt trời. Hầu hết mọi người làm việc ngoài trời, trong khi không gian trong nhà không được làm mát hiệu quả. Bê tông và nhựa đường trong môi trường đô thị có thể tích nhiệt, làm tăng nhiệt độ ban đêm và góp phần gây ra căng thẳng nhiệt.

Phụ nữ và người cao tuổi được cho là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất theo một nghiên cứu kéo dài 10 năm về các hiện tượng thời tiết cực kỳ nóng được thực hiện ở Hong Kong, Trung Quốc.

2. Nhiệt kế bầu ướt là gì?

Các nhà dự báo ngày càng sử dụng nhiều biện pháp đo lường mức độ căng thẳng và khó chịu do nhiệt – như độ ẩm, chỉ số nhiệt hoặc nhiệt độ biểu kiến – để hiểu thêm về những rủi ro sức khỏe do nhiệt độ cao gây ra. Nhiệt kế bầu ướt là một trong những biện pháp này. Chỉ số này là nhiệt độ thấp nhất mà một vật có thể tự làm mát khi độ ẩm bốc hơi hết. Nó giải thích cho tác động của độ ẩm, khiến cơ thể con người khó tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi.

Ví dụ: Nếu trời 42 độ C với độ ẩm 40% – như ở Phoenix, Arizona, vào tháng 7 – có nhiệt độ bầu ướt khoảng 30 độ C. Nhiệt độ thấp hơn, chẳng hạn như 38 độ C, nhưng với độ ẩm cao hơn là 80% sẽ cho kết quả bầu ướt khoảng 35 độ C. Nhiệt độ đó đủ cao để gây say nắng ngay cả đối với những người khỏe mạnh, bất chấp nguồn bóng râm và nước uống không hạn chế. Trên thực tế, bóng râm và nước uống thường bị hạn chế, và sức nóng có thể gây chết người ở nhiệt độ bầu ướt thấp hơn nhiều.

Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí Science cho thấy các khu vực bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2003 và ở Nga năm 2010, vốn đã gây tử vong cho hàng nghìn người, các giá trị nhiệt độ bầu ướt khi đó không lớn hơn 28 độ C.


Người đi đường trùm khăn tránh nắng nóng ở Amritsar, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

3. Nhiệt độ bầu ướt được đo như thế nào?

Ban đầu, người ta quấn một miếng vải ướt quanh bầu nhiệt kế. Các nhà khoa học sẽ ghi lại mức độ sau khi quá trình bay hơi làm mát nó, giống như cách cơ thể hạ nhiệt bằng việc đổ mồ hôi. Giờ đây, nhiệt độ bầu ướt được đo bằng các thiết bị điện tử tại các trạm thời tiết. Những nghiên cứu sâu hơn được hỗ trợ bởi dữ liệu vệ tinh từ các nguồn như Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia tại Mỹ cũng đã phát triển một công cụ tiên tiến hơn để dự báo về căng thẳng nhiệt, nhiệt độ bầu ướt trên toàn cầu, yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ gió, góc mặt trời và độ che phủ của mây.

4. Nhiệt độ bầu ướt quan trọng ở đâu?

Theo truyền thống, nhiệt độ và độ ẩm cao nhất ở Nam Á và các vùng khí hậu cận nhiệt đới. Một số nơi ở Ấn Độ có nhiệt độ bầu ướt cao hơn 32 độ C. Liên hợp quốc dự đoán đây sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên vượt qua nhiệt độ bầu ướt 35 độ C.
Một hình thái thời tiết El Nino mới đang đẩy vạch thủy ngân trên nhiệt kế lên mức chưa từng có trong khu vực. Pakistan, Trung Đông và Mexico cũng có khả năng trải qua nhiệt độ cao và độ ẩm cao.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều nơi hơn, điển hình là những khu vực ôn đới cũng đang chứng kiến những ngày nóng khủng khiếp. Anh ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 40,3 độ C vào tháng 7/2022 và Bồ Đào Nha cán ngưỡng 47 độ C, nhưng độ ẩm tương đối thấp ở cả hai nơi đã giữ nhiệt độ bầu ướt khoảng 25 độ C.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ghi nhận tháng 4 nóng kỷ lục của họ vào năm 2023 khi một khối không khí nóng mang đến nhiệt độ gần 40 độ C ở một số khu vực vào cuối tháng. Đợt nắng nóng trên xảy ra trong bối cảnh hạn hán lan rộng đang tấn công khu vực này trong năm thứ hai liên tiếp.

5. Tác động kinh tế và xã hội là gì?

Ở những nơi có nhiệt độ cực cao, mọi khía cạnh của cuộc sống trở nên khó khăn hơn và sự bất bình đẳng trở nên gay gắt hơn, đặc biệt là ở các thành phố. Nhưng ngay cả những nơi mát mẻ hơn cũng cảm nhận được tác động của nắng nóng, điển hình là do giá năng lượng và thực phẩm cao hơn.

Ví dụ, mùa hè năm 2022 nóng thiêu đốt của Ấn Độ đã làm giảm sản lượng lúa mì và buộc nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới này phải cấm xuất khẩu. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và lạm phát trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, mặc dù Ấn Độ không phải là nước xuất khẩu lớn. Mối lo này một lần nữa có thể lặp lại vào năm nay, ảnh hưởng đến lúa mì, hạt cải dầu và đậu xanh. Tiêu thụ điện năng cũng tăng trong thời gian nắng nóng cao điểm, gây căng thẳng cho lưới điện và túi tiền của người tiêu dùng khi giá cả đồng loạt leo thang. Nhiệt cao cũng làm trầm trọng thêm hạn hán, gây thêm căng thẳng cho sản xuất thủy điện và điện hạt nhân.

6. Nhiệt độ cực cao liên quan đến biến đổi khí hậu như thế nào?

Sóng nhiệt có liên quan trực tiếp nhất đến tình trạng ô nhiễm khí nhà kính của nhân loại. Và sức nóng, cùng với khô hạn và gió, gây cháy rừng. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học hiện tin rằng biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng ở miền Tây Mỹ, Australia và các nơi khác. Mùa cháy rừng ở Mỹ đang kéo dài hơn hai tháng so với những năm 1970 và 1980.

Sự nóng lên toàn cầu đang làm cho các cơn lốc xoáy nhiệt đới, hay còn gọi là bão, trở nên dữ dội hơn. Nước ấm hơn và không khí ẩm hơn - hai kết quả của sự nóng lên toàn cầu - cấp thêm nhiên liệu cho những cơn bão như vậy. Ở Ấn Độ và Pakistan, nhiệt độ cực cao có khả năng xảy ra thường xuyên gấp 30 lần vì khí hậu thay đổi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất