Những điều cần biết về vụ nổ thủy cung hình trụ lớn nhất thế giới tại Đức
Tại Berlin, một thủy cung khổng lồ có tên AquaDom đã phát nổ, khiến hàng nghìn con cá và gần một triệu lít nước tràn ra ngoài đường phố. Vậy vì sao thủy cung phát nổ? Và liệu có thiệt hại nặng nề về tài sản không?
Thủy cung AquaDom có quy mô ra sao?
Khách sạn Radisson Blu ở Berlin, Đức là nơi đặt thủy cung AquaDom. Thủy cung AquaDom được mệnh danh là thủy cung hình trụ lớn nhất thế giới, với chiều cao 15 mét, thể tích khoảng 1 triệu lít và được bao quanh bởi hệ thống thang máy bằng kính dành cho khách tham quan.
Aquadom được xây dựng trong khách sạn vào năm 2003 và là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng cận cảnh nhiều loài cá sặc sỡ khác nhau. Thủy cung chứa đến hơn 1500 sinh vật đến từ 37 hồ nước ngọt và nước mặn. Bên cạnh thủy cung, khu phức hợp còn có các cửa hàng, nhà hàng, bảo tàng và các căn hộ.
Thủy cung AquaDom - thủy cung hình trụ lớn nhất thế giới (năm 2015).
Không còn giữ danh hiệu thủy cung hình trụ lớn nhất thế giới
Vào ngày 16/12/2022, AquaDom đột ngột phát nổ vào 5 giờ 45 phút sáng theo giờ địa phương. Sau vụ nổ, lối vào khách sạn năm sao tựa như quang cảnh của một vụ nổ bom. Mảnh vỡ ngổn ngang khắp nơi, đồ đạc bị xé toạc, các cây cột và cửa sổ bị bẻ cong và vô vàn đồ vật khác nằm la liệt trên mặt đường.
Một đoạn video quay bởi Sandra Weeser, thành viên của Quốc hội liên bang ở tại khách sạn cho thấy đống đổ nát mà vụ nổ gây ra. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình địa phương, bà Weeser nói ban đầu bà nghĩ đã xảy ra một vụ động đất nhỏ, cho đến khi những thấy các sóng nước tràn ra xung quanh bà mới biết thủy cung vừa phát nổ. Sau đó 1 giờ, bà đã được lực lượng cứu hỏa hướng dẫn rời khỏi tòa nhà.
Khung cảnh hoang tàn trước và sau vụ nổ.
Vì sao thủy cung phát nổ?
Vụ việc hiện vẫn đang được điều tra. Dịch vụ cứu hỏa của Berlin chưa tuyên bố nguyên nhân của vụ việc, các hãng tin địa phương cho biết cảnh sát không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến một vụ tấn công. Nghi vấn đổ dồn vào thời tiết cũng như lỗi kỹ thuật, một số người suy đoán, nhiệt độ lạnh cóng ngoài trời đã làm nứt kính của AquaDom.
Chủ sở hữu thủy cung Aquadom và đại diện phía khách sạn đang phối hợp cùng cảnh sát, đội cứu hỏa để điều tra tổng quát tình hình và thiệt hại, từ đó tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ nổ.
Thiệt hại nặng nề đến mức nào?
Vài giờ sau vụ nổ, toàn bộ dãy phố bên ngoài tòa nhà vẫn ngập trong nước. Sức nặng của nước được ước tính là sánh ngang với các trận sóng thần, bởi nó mạnh đến mức làm bật hàng loạt gốc cây và hư hại toàn bộ các cửa hàng lân cận.
Khung cảnh bên ngoài khách sạn.
Gần 1500 con cá nhiệt đới sống trong thủy cung Aquadom đã chết. Xác cá nằm la liệt trên con phố bên ngoài khách sạn Radisson trong tiết trời lạnh giá -7°C. Markus Kamrad, quan chức tại Thượng viện Đức, người chịu trách nhiệm bảo vệ động vật cho biết: “Đây là bi kịch đối với loài cá”.
Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi áp suất nước khi thủy cung bị vỡ, một số con cá chết bởi nhiệt độ lạnh giá bên ngoài, hoặc bị ngạt thở vì không được đưa vào môi trường nước kịp thời. Bất kỳ sinh vật nào dù sống sót sau vụ nổ thì vẫn rất khó được cứu sống.
Sở cứu hỏa của Berlin đã cử hơn 100 lính cứu hỏa đến hiện trường, cũng như một đội chó cứu hộ để tìm kiếm thi thể người, may mắn là chỉ có 2 người bị thương nhẹ và đã được đưa đến bệnh viện. Nếu vụ việc xảy ra muộn hơn vài giờ, khi khách tham quan đến đông, có thể sẽ có rất thêm rất nhiều thiệt hại về người.
Nỗ lực giải cứu từ đội cứu hộ
Các lính cứu hỏa phong tỏa giao lộ bên ngoài khách sạn Radisson để kiểm tra thiệt hại về cơ sở vật chất. Khách sạn ngay lập tức đóng cửa và tiến hành di dời khách. Một vài vị khách vẫn chờ bên ngoài tòa nhà, mong có hội tìm lại đồ đạc. Một người phụ nữ giấu tên cho biết cô ấy đã rất sốc và không thể tin rằng không có ai thiệt mạng.
Vào đầu giờ chiều cùng ngày, một đơn vị cứu hộ đặc biệt đã có mặt tại hiện trường, trang bị mũ cứng, móc đa năng và dây thừng để tiếp cận tầng hầm của tòa nhà.
Quan chức địa phương và lực lượng cứu hỏa nhận ra vẫn còn hàng trăm sinh vật khác trong tầng hầm của tòa nhà. Do mất điện, cá ở các bể khác của trong tòa nhà cũng đang gặp nguy hiểm. Một số loài cá rạn san hô ở dưới đáy bể may mắn sống sót nhờ một vũng nước còn sót lại. “Chúng tôi phải bơm một lượng nước lớn ra ngoài, kiểm tra toàn bộ tòa nhà. Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi lúc này là giải cứu những con cá sống ở dưới tầng hầm”, James Klein, phát ngôn viên của Sở Cứu hỏa Berlin cho biết.
Ông Kamrad cho biết những con cá còn sống sót sẽ được chuyển đến thủy cung Sea Life gần đó. Các phòng khám thú y đồng thời cũng chuẩn bị thêm bể trong trường hợp số lượng cá được giải cứu tăng lên. Ông nói: “Tin tốt là chúng tôi có thể cứu được nhiều loài quý hiếm, trong đó có một số giống ốc sên, cá rô phi và một vài loại thuộc họ cá hoàng đế”.
- Phát hiện kỳ thú về các sát thủ đại dương: Bơi mỏi rồi, cá mập chuyển sang "đi bộ" dưới đáy biển
- Hiện tượng "biển mây" tuyệt đẹp tại Sa Pa được hình thành như thế nào?
- Cỗ máy bơi lơ lửng trên đáy biển để thu thập kim loại