Những điều nên và không nên làm sau khi phát hiện có cục máu đông
Nếu bạn đang gặp các tình trạng sức khoẻ do cục máu đông gây nên, điều quan trọng là bạn cần xây dựng lối sống và chế độ ăn uống phù hợp để tránh làm trầm trọng thêm vấn đề.
Những điều cần biết khi phát hiện cục máu đông
Cục máu đông còn được gọi là huyết khối, tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ nguy hiểm như đột quỵ. Do vậy, khi phát hiện ra tình trạng cục máu đông, có một số điều bạn nên và không nên làm để bảo vệ sức khoẻ.
1. Cục máu đông hình thành như thế nào?
Cục máu đông là khối máu hình thành khi tiểu cầu, protein và tế bào trong máu dính lại với nhau. Về cơ bản, quá trình đông máu là cần thiết trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn khi bị thương, cục máu đông sẽ ngăn ngừa mất máu. Tuy nhiên, nếu cục máu đông hình thành bên trong tĩnh mạch, di chuyển đến các mạch máu ở tay chân, phổi, não, tim và thận... có thể trở nên nguy hiểm hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu, thường ở chân hoặc tay, được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Nếu những cục máu đông này vỡ ra và di chuyển đến phổi - đây được gọi là thuyên tắc phổi (PE), tình trạng này cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Tuỳ vào vị trí của cục máu đông xuất hiện mà các triệu chứng sẽ khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến cảnh báo tình trạng cục máu đông mà mọi người nên lưu ý:
- Sưng tấy hoặc phù nề thường ở một chân hoặc cánh tay
- Đau chân giống như bị chuột rút
- Đổi màu da sang màu đỏ hoặc hơi xanh
- Chân hoặc cánh tay ấm khi chạm vào.
- Khó thở đột ngột, đau ngực dữ dội (có thể nặng hơn khi bạn hít vào) và ho hoặc ho ra máu
- Nhịp tim nhanh hơn bình thường hoặc không đều
Những người có nguy cơ cao bị cục máu đông như có tuổi, thừa cân hoặc béo phì, tiền sử gia đình mắc huyết khối tĩnh mạch, ung thư, trong và ngay sau khi mang thai, thuốc dựa trên estrogen như ngừa thai nội tiết tố hoặc liệu pháp thay thế hormone, chấn thương.
Chân hoặc tay bị sưng tấy, phù nề hoặc màu da đổi sang màu đỏ hoặc hơi xanh là những triệu chứng phổ biến khi xuất hiện cục máu đông. (Ảnh: Internet).
2. Những điều nên làm khi phát hiện tình trạng cục máu đông
Khi phát hiện tình trạng cục máu đông, điều cần thiết là bạn cần đến bác sĩ để thăm khám, điều trị và xin lời khuyên. Bên cạnh đó, người bệnh lưu ý một số điều sau để đảm bảo sức khoẻ cũng như phòng ngừa các tình trạng nguy hiểm:
Theo dõi các triệu chứng cục máu đông khác
Nếu bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở một trong hai chân hoặc cánh tay của mình, đôi khi chi đó hơi sưng sau khi điều trị là điều bình thường, nhưng hãy chú ý đến những cơn đau và sự đổi màu mới hoặc trầm trọng hơn. Áp lực và chuột rút cũng có thể báo hiệu một cục máu đông mới.
Biết về tình trạng sức khoẻ của mình
Nếu trước đây bạn đã từng bị cục máu đông thì khả năng xảy ra cục máu đông khác sẽ cao hơn. Nguy cơ của bạn cũng lớn hơn nếu bạn gặp các vấn đề sức khoẻ như:
- Bị ung thư
- Đang dùng biện pháp tránh thai hoặc liệu pháp hormone bằng estrogen
- Mắc một căn bệnh mãn tính như bệnh tim và phổi, hoặc bệnh tiểu đường
- Bị rối loạn đông máu
- Trên 40 tuổi
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ngồi nhiều đặc biệt là vắt chéo chân
Vận động phù hợp
Các bài tập như đi bộ và bơi lội có thể giúp máu lưu thông và giúp bạn hồi phục sau khi bị đông máu. Việc vận động cũng có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân và ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong tương lai.
Nếu bạn bị thuyên tắc phổi do cục máu đông, các hoạt động khiến tim bạn đập mạnh, như chạy hoặc khiêu vũ, có thể làm cho phổi của bạn khỏe hơn.
Tuy nhiên, mức độ hoạt động thể chất sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm tuổi tác, các tình trạng sức khỏe khác mà bạn mắc phải và thời gian kể từ khi phát hiện các tình trạng sức khoẻ liên quan đến cục máu đông. Do đó, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về mức độ tập luyện phù hợp với bản thân.
Các bài tập như đi bộ và bơi lội có thể giúp máu lưu thông và giúp bạn hồi phục sau khi bị đông máu. (Ảnh: Internet).
Nói với bác sĩ về các loại thuốc khác mà bạn đang dùng
Aspirin có thể tương tác với warfarin và các chất làm loãng máu khác và làm tăng nguy cơ chảy máu nặng. Một số loại thuốc kháng sinh cũng có thể khiến thuốc không có tác dụng như mong muốn. Bạn cũng nên cẩn thận với các chất bổ sung thảo dược không kê đơn bao gồm nhân sâm, hạt lanh và dầu cá.
Sử dụng tất nén
Những chiếc tất bó sát đặc biệt này giữ một áp lực nhất định lên chân của bạn và điều đó có thể giúp lưu thông máu sau huyết khối tĩnh mạch sâu. Bác sĩ cũng có thể khuyên dùng chúng sau khi bị thuyên tắc phổi để tăng cường tuần hoàn cho bạn.
Uống đủ nước
Mất nước góp phần làm lưu lượng máu chậm phát triển, có thể dẫn đến đông máu. Mất nước cũng có xu hướng làm trầm trọng thêm quá trình hình thành cục máu đông do lưu lượng máu không thể di chuyển hiệu quả qua các tĩnh mạch đó.
Do vậy, việc giữ đủ nước đặc biệt quan trọng, đặc biệt khi bạn không vận động trong thời gian dài. Uống đủ nước để thúc đẩy sự chuyển động của máu ở chi dưới. Bạn nên uống 8 đến 10 ly nước mỗi ngày để máu được lưu thông tối ưu.
Uống đủ nước để thúc đẩy sự chuyển động của máu ở chi dưới có thể phòng ngừa tình trạng cục máu đông. (Ảnh: Internet).
Giữ tâm lý thoải mái
Căng thẳng có thể làm tăng huyết áp và tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Cả hai điều này đều góp phần gây ra nguy cơ đông máu hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng đã có, đau tim và đột quỵ.
Vì vậy, để kiểm soát các tình trạng sức khoẻ đang gặp phải, bạn nên giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ bằng cách thiền, tập yoga, chia sẻ với mọi người,...
Kiểm soát cân nặng
Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao phát triển cục máu đông vì trọng lượng tăng thêm khiến máu ở chân khó quay trở lại tim và phổi. Hơn nữa, béo phì làm tăng các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến đông máu, bao gồm kháng insulin và viêm mãn tính. Những yếu tố này có thể làm tăng hoạt động của tiểu cầu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Vì những lý do trên, bạn nên kiểm soát cân nặng hoặc giảm cân khi bạn đang bị thừa cân. Bạn nên tập trung ăn nhiều loại trái cây; rau và ngũ cốc nguyên hạt; các nguồn protein lành mạnh như các loại đậu, quả hạch , cá, sữa ít béo và không béo. Đồng thời hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đường bổ sung.
Nên cẩn trọng hơn khi mang thai
Những phụ nữ đã từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi có nguy cơ mắc bệnh khác cao hơn khi họ mang thai. Điều quan trọng là nếu mang thai, bạn phải theo dõi sức khỏe của mình một cách chặt chẽ và thăm khám thường xuyên.
3. Những điều không nên làm khi phát hiện tình trạng cục máu đông
Bên cạnh những việc nên làm, những người phát hiện ra tình trạng cục máu đông nên lưu ý không nên làm những điều sau để bảo vệ sức khoẻ:
Không ngồi quá lâu
Đặt báo thức để nhắc nhở bản thân đứng dậy và vận động 2 giờ một lần. Nếu bạn bị cục máu đông ở chân, hãy cố gắng tránh bắt chéo chân khi ngồi và không ngồi một chỗ quá lâu.
Không ăn sai loại thực phẩm
Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc như warfarin, bạn sẽ cần phải theo dõi những gì mình ăn. Vitamin K có thể tương tác với thuốc, vì vậy bạn phải cẩn thận khi ăn cải xoăn, rau bina, cải Brussels, củ cải và rau cải làn. Trà xanh, nước ép nam việt quất và rượu cũng có thể ảnh hưởng đến chất làm loãng máu, vì vậy hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thực phẩm bạn nên kiêng.
Đừng tự làm mình bị thương
Nếu bác sĩ kê đơn thuốc làm loãng máu, chúng có thể khiến bạn dễ chảy máu hơn do những vết thương nhỏ. Do vậy, bạn hãy cẩn thận hơn khi cắt rau và ngay cả khi cắt móng tay. Bạn nên đeo thiết bị an toàn và găng tay thích hợp khi làm việc với các dụng cụ sắc bén và kiểm tra với bác sĩ về bất kỳ hoạt động nào bạn nên tránh.
- "Vợ lẽ" thời xưa ngoài sinh con nối dõi tông đường, còn có một tác dụng khác: Hậu thế ngậm ngùi thương thay!
- Vì sao lịch năm 2024 trùng khớp hoàn toàn với lịch năm 1996?
- Vì sao “ngọn núi nhỏ nhất Trung Quốc” cao chỉ 0,6m nhưng không ai dám leo trèo?