Những hậu quả khó lường khi người trẻ thức khuya “cày” phim
Nhiều bạn trẻ đang tự biến mình thành “cú đêm” vì mê mải “cày” phim. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn dễ dàng đánh sập sức khỏe ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
Từ giải trí đến "mọt phim"
Vì quá mê phim Hàn, Trần Hồng Thúy - sinh viên năm 2, Học viện Phụ nữ Việt Nam - đã chọn xem phim là món quà tự thưởng sau mỗi kỳ thi hoặc vào những lúc rảnh rỗi, thư giãn cuối tuần. Thế nhưng, chỉ sau vài lần tự thưởng như vậy, Thúy đã bị cuốn vào các bộ phim của "xứ sở kim chi" lúc nào không hay.
Những bộ phim dài tập, hợp sở thích vốn được lập kế hoạch cho cả tháng hoặc cả quý thì giờ trở thành "mì ăn liền", Thúy chỉ "ăn" ngấu nghiến trong vòng 2-3 ngày là xong. Khi nào máy tính nóng quá, Thúy lại chuyển sang xem bằng điện thoại. Mải "cày" phim với tâm lý cố, nốt, Thúy thức xuyên đêm, đến 4-5h sáng mới đi ngủ.
Nhiều bạn trẻ mải mê xem phim quên cả việc chính là học tập.
Không chỉ sinh viên nữ mê "cày" phim, các nam sinh cũng không kém cạnh. Trần Chí Bảo, sinh viên năm 3 một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, kể: "Hiện tại mình vừa đi học vừa đi làm, chỉ tối về là rảnh. Ăn uống, tắm gội xong xuôi, mình sẽ xem bộ phim yêu thích. Nhưng vì có những bộ phim quá hay, mình đã tận dụng cả thời gian ăn trưa hoặc giờ giải lao trên lớp để xem. Mỗi ngày mình chỉ ngủ 3-4 tiếng, còn lại toàn bộ thời giản rảnh dành cho việc xem phim".
Hậu quả khó lường
Vì quá mải xem phim, nhiều hôm Thúy bỏ bê, chểnh mảng việc ăn uống. Thay vì nấu nướng cho ra bữa, Thúy chỉ mua sữa và đồ ăn vặt qua ngày. Chế độ ăn uống thất thường, bữa ăn bữa không nên mới đây, Thúy đi khám thì đã bị trào ngược dạ dày. Không những thế, hai mắt của Thúy còn luôn quầng thâm và da mặt xuất hiện rất nhiều nốt mụn do thường xuyên thức khuya, sử dụng đồ ăn nhanh.
Tương tự, cô sinh viên năm cuối Nguyễn Thúy Diệp cho biết, cũng vì phim mà Diệp đã sớm làm bạn với căn bệnh dạ dày và đôi mắt cận 3,5 độ. Diệp kể: "Đã có những lần mình "cày" phim liên tục 20 tiếng không ngừng nghỉ dẫn đến ngủ quên giờ đi học. Không những thế, giờ đây cứ 3 tháng mình phải quay lại viện khám dạ dày 1 lần, 6 tháng lại phải đi đo lại mắt kính".
Không chỉ Thúy và Diệp, rất nhiều bạn trẻ đều biết rõ tác hại của việc thức khuya nhưng không thay đổi thói quen, cho rằng bản thân còn rất trẻ khỏe, không nghĩ đến những hậu quả sau này.
Bác sĩ tâm lý Lương Thị Ngư, Khoa tâm lý, Bệnh viện Thanh Trì (Hà Nội) cho rằng: "Thức khuya xem phim hiện không còn quá xa lạ với các bạn trẻ và rất đáng báo động bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần, gây ra các vấn đề như lo âu, thậm chí là trầm cảm. Và nguy cơ bị đột quỵ tăng cao hơn người bình thường rất nhiều".
Bác sĩ Đỗ Hữu Duy, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cho biết: Việc dán mắt vào màn hình điện thoại hay laptop liên tục tiềm ẩn nhiều mối nguy cho sức khỏe. "Thức khuya có thể gây ra tình trạng mỏi mắt, khô mắt và làm thị lực suy giảm theo thời gian, dẫn đến cận thị. Ngoài ra, ngồi hoặc nằm trong thời gian quá lâu để tập trung xem phim cũng khiến cơ thể mệt mỏi, gây nên tình trạng uể oải, bơ phờ, không có sức sống vào ngày hôm sau", bác sĩ Duy khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Duy: "Khi xem phim, nhiều người trẻ có thói quen ăn uống không kiểm soát. Nạp năng lượng bằng cách ăn vặt, lạm dụng nước ngọt… dễ dẫn đến tăng cân. Không những vậy, nếu "cày" phim vào ban đêm, coi phim thâu đêm suốt sáng có thể khiến nhịp sinh học dần đảo lộn, gây mất ngủ cũng như làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của cơ thể…".
Không thể phủ nhận lợi ích từ việc giải trí bằng phim ảnh, song mỗi người cần có kế hoạch xem phim một cách lành mạnh, có khoa học, cân bằng và phù hợp để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tương lai sau này.
Những hệ lụy từ việc lạm dụng thức khuya để xem phim:
|
- Tại sao xe chở chất lỏng đều có thùng hình trụ tròn?
- Ăn trứng muối có tốt không? Những ai không nên ăn loại trứng này?
- Video cảnh tượng hiếm gặp: Cầu vồng đôi và sét cùng xuất hiện trên bầu trời