Những hiện vật nghìn năm văn hóa Sa Huỳnh
440 hiện vật, hình ảnh về nền văn hóa Sa Huỳnh có 2.000-2.500 tuổi được các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định phối hợp trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi từ chiều 22/7.
Đây là lần đầu tiên trưng bày những đồ vật cổ xưa của một thời đại văn hóa Sa Huỳnh - cái nôi văn minh Việt Nam cùng với nền văn hóa Đông Sơn (Bắc) và Óc Eo (Nam) - nhân kỷ niệm 100 phát hiện ra Sa Huỳnh. Những hiện vật này được các nhà nghiên cứu khảo cổ khai quật tại địa phương thuộc Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định, có niên đại cách nay khoảng 2.500 đến 3.000 năm.
Đặc trưng của nền văn hóa này là hầu hết dụng cụ sinh hoạt được làm bằng đồng, sắt; nghi thức chôn cất người chết hết sức cẩn trọng kèm theo một số đồ trang sức quý như chuỗi hạt bằng đá quý, khuyên tai, vòng vàng...
Dụng cụ sinh hoạt, trang sức - đồ tùy táng theo mộ chum - nét đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh. |
Qua các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước nhận định, chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh đã giao thương mạnh mẽ với các nền văn minh khác như Đông Sơn phía Bắc và Óc Eo ở miền Nam. Trong các mộ chum, một số đồ gốm sứ của Trung Hoa xen lẫn với đồ gốm Việt. Điều này minh chứng từ xa xưa người Việt đã có sự giao thương, trao đổi mua bán với thế giới bên ngoài.
Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet đã tình cờ phát hiện tại động cát cạnh đầm An Khê thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) một khu mộ chum với rất nhiều hiện vật giá trị. Đây là những bằng chứng đầu tiên về nền văn hóa riêng của miền Trung.
Hiện vật mộ chum.
Mộ chum có dáng mộ Nồi.
Mộ chum hình tháp trụ.
Đồ trang sức chuỗi hạt đá quý, khuyên tai ba chấu được tùy táng theo mộ chum khi chôn cất người chết.
Mộ chum Sa Huỳnh được nghệ nhân Lâm Dũ Xênh ở thị trấn Châu Ổ cùng chuyên viên phục dựng Hiệp hội UNESCCO Việt Nam phục hồi nguyên dạng từ hàng nghìn mảnh gốm vỡ.
Những hiện vật này thu hút khách tham quan.
... Và những nhà nghiên cứu khảo cổ trong, ngoài nước.