Những hình ảnh vũ trụ ấn tượng chụp bởi kính viễn vọng Hubble
Bộ ảnh về vũ trụ được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố nhân dịp 30 năm hoạt động của kính viễn vọng Hubble.
Caldwell 17 (NGC 147) là thiên hà lùn cách Trái đất khoảng 2,5 triệu năm ánh sáng, vệ tinh của thiên hà Andromeda. Thiên hà được phát hiện bởi nhà thiên văn học John Herschel vào tháng 9/1829. Thời điểm phù hợp để quan sát Caldwell 17 từ bắc bán cầu là mùa thu. Đây là hình ảnh từ camera trường rộng 3 (WFC3) của Hubble, chụp một khu vực gần lõi thiên hà.
Cách không xa Caldwell 17 là Caldwell 18 (NGC 185), thiên hà có hạt nhân hoạt động (AGN) - nguồn bức xạ cực mạnh phát ra từ trung tâm. Caldwell 18 được phát hiện vào năm 1787 bởi nhà thiên văn học người Anh William Herschel (cũng là người khám phá Thiên Vương tinh). Thiên hà AGN rất sáng khi quan sát ở bước sóng hồng ngoại. Với độ lớn biểu kiến là 9,2, Caldwell 18 có thể được nhìn thấy rõ bằng ống nhòm.
Caldwell 29 (NGC 5005) là thiên hà xoắn ốc có thể chứa một hố đen siêu lớn ở lõi, được phát hiện cũng bởi Herschel vào năm 1785. Caldwell 29 cách Trái đất khoảng 75 triệu năm ánh sáng, dễ nhìn thấy hơn những thiên hà khác do lõi của nó khá nhỏ, ánh sáng không lan tỏa nhiều.
Một cấu trúc thú vị của các thiên hà xoắn ốc như Caldwell 40 (NGC 3626) là phần trung tâm phình ra - vùng dày đặc ngôi sao bao quanh thiên hà, chứa những hố đen siêu lớn. Caldwell 40 cách Trái đất 70 triệu năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Leo với độ lớn biểu kiến là 10,6.
Ở khoảng cách 59 triệu năm ánh sáng so với Trái đất, thiên hà bùng nổ sao (starburst) Caldwell 45 có thể được nhìn thấy bằng kính thiên văn nhỏ. Starburst là hiện tượng hình thành sao với tốc độ lớn hơn so với tốc độ thường được quan sát. Còn gọi là NGC 5248, hình ảnh tuyệt đẹp của Hubble về thiên hà này được quan sát bởi WFC3 và camera hành tinh/trường rộng 2 (WFPC2).
Hình ảnh của Caldwell 51 (IC 1613), một thiên hà lùn trong chòm sao Cetus, cách Trái đất 2,3 triệu năm ánh sáng. "Caldwell 51 rất khó phát hiện, là một trong những vật thể Caldwell khó nhìn thấy nhất khi xuất hiện như vết ố mờ nhạt và lan tỏa mạnh", NASA chia sẻ.
Tinh vân hành tinh Caldwell 56 (NGC 246) có màu xanh lam sau khi được xử lý bởi Hubble. Dù khá giống những hành tinh khác, tinh vân hành tinh là giai đoạn cuối trong quá trình tiến hóa của một ngôi sao. Khi kết thúc vòng đời, phần lõi nóng và nén của ngôi sao phát ra bức xạ cường độ cao, rực sáng trong hàng chục nghìn năm trước khi tinh vân tan ra, để lại một ngôi sao lùn trắng giống ngôi sao ở trung tâm của Caldwell 56.
Tập hợp ngôi sao lấp lánh này có tên Caldwell 58 (NGC 2360), còn được gọi là Caroline's Cluster, theo tên nhà thiên văn học người Đức Caroline Herschel. Theo NASA, Caldwell 58 là cụm sao mở - một nhóm ngôi sao liên kết lỏng lẻo bởi lực hấp dẫn. Nó nằm trong chòm sao Canis Major, cách Trái đất khoảng 3.700 năm ánh sáng. Với độ lớn biểu kiến là 7,2, Caldwell 58 có thể được phát hiện bằng ống nhòm trong bầu trời tối, không có trăng.
Hình ảnh tinh vân phản xạ Caldwell 68 (NGC 6729) được ghi lại bởi WFPC2 của Hubble. Tinh vân phản xạ là những đám mây khí và bụi chỉ phản xạ ánh sáng từ một ngôi sao nóng gần đó. NGC 6729 cách Trái đất khoảng 400 năm ánh sáng trong chòm sao Corona Australis, là một trong những vùng sao gần Trái đất nhất.
Được gọi là Caldwell 72 (NGC 55), thiên hà này cách Trái đất 6,5 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Sculptor. Theo CNET, Caldwell 72 được phân loại là thiên hà kiểu Magellan. Được đặt theo tên của Đám mây Magellan Lớn, các thiên hà thuộc loại này có một nhánh xoắn ốc, là lớp trung gian giữa các thiên hà không đều và thiên hà xoắn ốc lùn.
Đây là hình ảnh của Caldwell 81 (NGC 6352). Theo NASA, cụm sao này khoảng 12 tỷ năm tuổi, cách Trái đất khoảng 20.000 năm ánh sáng. Hình ảnh của Caldwell 81 là tổng hợp các quan sát hồng ngoại sử dụng máy ảnh nâng cao (ACS) của Hubble, còn WFC3 dùng để quan sát tia cực tím.
Những ngôi sao sáng chói được ghi lại bởi WFC3 của Hubble là một phần của Caldwell 89 (NGC 6087). Cụm sao này gồm khoảng 40 ngôi sao, trong đó sáng nhất là sao biến thiên S Normae, những ngôi sao có thể thay đổi độ sáng với tốc độ đều đặn, có thể dự đoán được.
Đây là một vùng nhỏ ở rìa của tinh vân Caldwell 99 (Coalsack Nebula), được xử lý nhân dịp kỷ niệm 30 năm hoạt động của Hubble. "Vật thể nằm ở trung tâm bức ảnh là một tinh vân tiền hành tinh - giai đoạn muộn trong vòng đời của một ngôi sao, nó đốt cháy lớp vỏ hydro và nhanh chóng nóng lên", NASA cho biết.
- Thần đồng đỗ đại học từ năm 11 tuổi là minh chứng: Học giỏi đến mấy mà EQ kém cũng buồn
- Bản chất của thời gian là tuyến tính hay theo chu kỳ?
- Phát hiện tuyến đường "siêu cao tốc" trong vũ trụ, giúp di chuyển cực nhanh qua Hệ Mặt trời