Những nơi cấm dân... chết kỳ lạ nhất thế giới

Do những điều kiện đặc biệt mà tại một số nơi trên thế giới, người dân khó mà có quyền được... chết.

Itsukushima (Nhật Bản)

Theo tín ngưỡng Shinton (Thần đạo) của người Nhật, đảo Itsukushima là một nơi linh thiêng. Việc duy trì, bảo vệ sự tinh khiết cho nơi này là một điều quan trọng.

Do đó, các nhà sư sống trên đảo luôn làm mọi cách để cái chết không xảy ra tại nơi này. Kể từ năm 1878, trẻ em đã chết không được phép đưa đến đảo Itsukushima. Phụ nữ có thai gần đến ngày sinh, những người già hay bị bệnh nan y cũng bị cấm tới đây.

Cuộc chiến duy nhất diễn ra tại đảo là trận Miyajima năm 1555 và gây ra nhiều thương vong. Tuy nhiên, sau khi giành được chiến thắng, người chỉ huy đã ra lệnh cho binh lính rời khỏi đảo ngay lập tức. Toàn bộ hòn đảo được tẩy rửa sạch sẽ. Những nơi đất thấm máu được ném đi... Trên đảo Itsukushima hiện vẫn chưa có nghĩa trang hay bệnh viện. Mỗi khi có cư dân sắp từ trần, họ được đưa đến các hòn đảo gần đó.

Lanjaron (Tây Ban Nha)

Năm 1999, Jose Rubio, thị trưởng của đô thị Lanjaron, Tây Ban Nha cũng đau đầu vì vấn đề quá tải ở nghĩa trang trong vùng. Ông cảm thấy nghĩa trang thị trấn đã quá đông đúc cho các linh hồn yên nghỉ. 4.000 cư dân của Lanjaron được khuyên "nên sống" trong khi chính quyền thành phố mua đất để lập nghĩa trang mới.

Thị trưởng Rubio ban hành một sắc lệnh ra lệnh cho cư dân “phải chăm sóc tối đa cho sức khỏe của bản thân và không được chết cho đến khi tòa thị chính thực hiện các bước cần thiết để sở hữu khu đất mới, nơi những người đã khuất có thể yên nghỉ”.

Longyearbyen (Na Uy)

Thị trấn Longyearbyen thuộc quần đảo Svalbard, Na Uy, nổi tiếng với những ngôi nhà rực rỡ trên nền tuyết trắng luôn mở rộng cửa chào đón du khách. Tuy nhiên, có một thứ tại đây bị cấm “ghé thăm” - đó là cái chết. Với vị trí ở vùng Bắc cực, các xác chết ở đây không bao giờ tan rã mà được bảo quản bởi lớp băng vĩnh cửu. 

Thị trấn có một nghĩa trang nhỏ, nhưng đã đóng cửa cách đây 70 năm. Những người dân bản địa khi bị bệnh nặng hay sắp chết sẽ được chuyển đi bằng máy bay hoặc tàu biển để đến nơi khác ở Na Uy. Tại đó, họ sẽ sống những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Falciano del Massico (Italia)

Thị trấn nhỏ bé nằm ở miền nam Italia này có một điều luật khá hà khắc: không ai được phép chết tại đây. Lệnh “cấm chết” ra đời không phải vì tín ngưỡng, tôn giáo hay xác chết không chịu phân hủy mà do không có chỗ. Thị trưởng của thị trấn đã ra sắc lệnh: "Không cho phép bất cứ người dân nào tại Falciano del Massico được vượt quá ranh giới giữa sự sống và cái chết". Và trong khi chờ đợi xây dựng nghĩa trang mới, người dân vẫn không được phép chết ở đây.

Sellia (Italia)


Một góc đảo Sellia, Italia.

Năm 2015, trong một nỗ lực để giải quyết tình trạng dân số ngày càng suy giảm và già hóa, Sellia, ngôi làng thời Trung cổ ở Italia đã cấm người dân bị... bệnh. Thị trưởng của thị trấn Davide Zicchinella đã ký một nghị định không cho phép cư dân đổ bệnh. Họ cần đặt sức khỏe của bản thân lên hàng đầu. 

Bất cứ cư dân nào ở Sellia không đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm sẽ bị phạt nặng. Năm 1960, thị trấn có 1.300 công dân, nhưng đến năm 2015 chỉ còn 537 người với 60% trên 65 tuổi. Thị trấn có thể sẽ lụi tàn. Vì thế "lệnh cấm" này nhằm khuyến khích mọi người sống khỏe mạnh và chăm sóc tốt cho bản thân.

Sarpourenx (Pháp)

Sarpourenx là một thị trấn nhỏ, đẹp như tranh vẽ của Pháp. Cuộc sống của dân làng được du khách đánh giá là êm đềm và đáng mơ ước. Điều duy nhất khiến nơi đây "mất điểm" là lệnh cấm chết. Lệnh này được thị trưởng Gerard Lalanne đưa ra, những người cố tình chết tại đây thậm chí còn bị phạt nặng. Nguyên nhân là tòa án Pháp từ chối cấp phép mở rộng nghĩa trang trong thị trấn. Sau quyết định của cơ quan chức năng, người dân nơi đây tỏ ra hoang mang và lo lắng khi luôn phải tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu mình chết đi nhỉ".

Cugnaux (Pháp)

Thuộc tỉnh Haute Garonne, miền Tây Nam nước Pháp, Cugnaux đã cấm cái chết vào năm 2007, khi tổng chỗ trống còn lại trong nghĩa trang chỉ còn 17 chỗ và chính quyền địa phương không được phép xây một nghĩa trang mới. Tuy nhiên, sau đó thị trấn có khoảng 17.000 cư dân này đã được cấp quyền mở rộng nghĩa trang địa phương.

Biritiba Mirim (Brazil)

Năm 2005, chính quyền thành phố Biritiba Mirim, Brazil đề xuất luật cấm cái chết, do nghĩa trang địa phương đã ở mức tối đa 50.000 ngôi mộ. Thị trưởng thành phố, ông Roberto Pereira từng yêu cầu mở rộng đất nghĩa trang nhưng bị từ chối bởi các quy định về môi trường. 

Dự luật của Thị trưởng Pereira cảnh báo những ai vi phạm sẽ chịu trách nhiệm về hành động của họ nhưng không nói về hình phạt. Trong khi đó, Pereira kêu gọi người dân chăm sóc sức khỏe của bản thân để... "không chết".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất