Những quan điểm có thể sai lầm của Nikola Tesla

Nhà phát minh nổi tiếng Nikola Tesla không ủng hộ thuyết tương đối của Einstein, không tin vào khả năng tách nguyên tử và sự tồn tại của electron.

Nikola Tesla (10/7/1856 - 7/1/1943), nổi tiếng với công trình nghiên cứu về dòng điện xoay chiều, là một kỹ sư cơ khí và nhà vật lý, nhà phát minh vĩ đại người Mỹ gốc Serbia. Người ta nhận ra các phát minh của ông hoạt động tốt hơn mong đợi, thậm chí 100 năm sau khi ông viết ra chúng. Tuy nhiên, khó ai có thể luôn đúng 100%.


Nhà phát minh Nikola Tesla. (Ảnh: Faces of The World/Flickr)

Tesla không đồng ý với nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein về thuyết tương đối và mô tả lý thuyết này giống như "một kẻ ăn xin mặc đồ tím được những người kém hiểu biết coi là vua".

"Tôi cho rằng không gian không thể bị cong, lý do đơn giản là nó không thể có thuộc tính. Điều này cũng giống với việc nói rằng Chúa có các thuộc tính. Thực chất Chúa không có, mà chỉ có những đặc điểm do con người tạo ra. Chúng ta chỉ có thể nhắc đến các thuộc tính khi nói về vật chất lấp đầy không gian", Tesla nói với tờ New York Herald Tribune năm 1932.

"Việc nói rằng không gian trở nên cong khi có các vật thể lớn hiện diện cũng tương đương với việc tuyên bố rằng thứ gì đó có thể tác động đến hư không. Cá nhân tôi từ chối tán thành quan điểm như vậy", ông chia sẻ.

Tuy nhiên, một số quan sát bằng kính viễn vọng cho thấy các thiên hà và vật thể lớn khác trong không gian có thể bẻ cong không - thời gian, các vật thể ở nền đôi khi được khuếch đại do hiện tượng "thấu kính hấp dẫn".

Tesla không tin vào các electron. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ khi ông nghiên cứu về điện (dòng chảy của các electron qua một vật dẫn điện). Tesla cho rằng nguyên tử là khối xây dựng nhỏ nhất của vũ trụ và cho rằng nếu có electron, chúng sẽ chỉ tồn tại trong môi trường chân không hoàn hảo.

Tuy nhiên, nhà vật lý Joseph John Thomson đã phát hiện electron đầu thế kỷ 20 và còn đo đạc những đặc tính và tác động của chúng. Không có electron, những công nghệ như truyền hình không thể tồn tại.

Tesla cũng cho rằng nguyên tử không thể bị tách ra. Ông không đồng tình với lý thuyết cho rằng nguyên tử cấu tạo từ những hạt hạ nguyên tử nhỏ hơn. "Ý tưởng về năng lượng nguyên tử là ảo tưởng, nhưng lại có sức ảnh hưởng đến tâm trí mạnh đến mức dù tôi đã thuyết giảng phản đối suốt 25 năm, vẫn có một số người tin rằng nó có thể thành hiện thực", Tesla nói trên tờ New York Times vào năm 1931.

Tesla cho biết, ông đã thí nghiệm phân rã các nguyên tử với một ống chân không. Ông vận hành nó với mức 4.000.000 - 18.000.000 volt. "Nhưng về năng lượng nguyên tử, các quan sát thực nghiệm của tôi cho thấy quá trình phân rã không đi kèm với sự giải phóng năng lượng như dự đoán của những lý thuyết hiện tại", ông bổ sung.

Năm 1932, nhà vật lý người Anh John Cockcroft và nhà vật lý người Ireland Ernest Walton, lần đầu tiên tách được nguyên tử. Năng lượng hạt nhân có thể dùng để tạo ra điện, nhưng trước hết phải được giải phóng khỏi nguyên tử. Trong quá trình phân hạch hạt nhân, các nguyên tử được tách ra để giải phóng năng lượng đó. Hiện nay, các nhà khoa học đang phát triển một dự án nhiệt hạch quy mô lớn mang tên ITER nhằm sản xuất điện trong tương lai.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất