Những tảng đá giữ thăng bằng đáng kinh ngạc nhất trên thế giới
Một số tảng đá được "điêu khắc" bởi các siêu lực tự nhiên, giữ thăng bằng theo tư thế như sắp đổ đã tồn tại trong hàng triệu năm. Những tảng đá đáng kinh ngạc nhất trên thế giới luôn thu hút các nhà địa chất và khách thập phương.
Top 10 tảng đá giữa thăng bằng nhất thế giới
1. Tảng Kummakivi, Phần Lan
Tảng Kummakivi dài 7m ở Phần Lan, thăng bằng trên đỉnh của một tảng đá khác. Tảng phía dưới có bề mặt cong, nhẵn, chìm trong đất. Đáng ngạc nhiên là giữa hai tảng đá chỉ có một điểm tiếp xúc rất nhỏ.
Theo văn hóa dân gian Phần Lan, "Hissi", một loại người khổng lồ, đã đặt những tảng đá này. Còn theo các nhà địa chất, sự rút lui của băng đã dẫn đến việc tạo ra những tảng đá này, khoảng 12.000 năm về trước.
2. Cột đá bazan, Canada
Tảng đá bazan hình cột thẳng đứng dài 9m này nhìn ra Vịnh St. Mary ở Nova Scotia (Canada). Để xem tảng đá khổng lồ này, người ta cần đi qua một con đường mòn dài 2,5 km và 235 bậc cầu thang. Khoảng 200 triệu năm trước, trong Kỷ Trias, đá nóng chảy hình thành từ sâu trong lòng Trái Đất và lan rộng khắp bề mặt.
Hiện tượng này đã chia cắt siêu lục địa Pangea và mở ra Đại Tây Dương. Khi dung nham nóng nguội dần, quá trình phong hóa và xói mòn đã tạo thành nhiều cấu trúc đá bazan dạng cột, giống như cột đá ở Vịnh St. Mary.
3. Đá sa thạch, Mỹ
Tảng đá sa thạch đỏ gần 290 triệu năm tuổi, nặng gần 700 tấn này mang tính biểu tượng của Khu vườn của các vị thần, ở Colorado Springs. Sự hình thành của nó bắt đầu khi dạng lỏng của đá sa thạch trầm tích trào lên từ trong lòng Trái Đất. Trong Khu vườn của các vị thần, có hai tảng đá cạnh nhau. Chúng tạo ra một một lối vào tự nhiên, chào đón khách du lịch.
Sức bền của loại đá này đã được thử thách bởi thời gian, đặc biệt là trong các trận động đất. Các nhà nghiên cứu đã chụp ảnh tảng đá và xây dựng các mô hình 3D để có thể mô phỏng trận động đất với độ rung chuyển cần thiết để lật nhào nó. Kết quả chứng tỏ các trận động đất cường độ cao ít xảy ra hơn so với ước tính trước đây.
4. Tảng Idol, Anh
Brimham Rocks là một tập hợp tuyệt vời của những tảng đá sa thạch ở North Yorkshire, Anh. Một trong những tảng đá đó là Idol Rock, còn được gọi là “Thần tượng của Druid” hoặc “Bàn viết của Druid”, cao gần 4,5m và nặng 200 tấn. Cấu trúc khổng lồ này nằm trên đỉnh của một đế hình chóp nhỏ.
Trong nhiều năm, người dân địa phương tin tuyệt tác này đã được chạm khắc bởi những người Anh cổ đại. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu đã chứng minh điều đó là sai. Đây là kết quả của tự nhiên.
5. Tảng Krishna’s Butterball, Ấn Độ
Tảng đá khổng lồ cao 6m và nặng khoảng 250 tấn đứng trên một chân đế cao 4m trên một ngọn đồi trơn trượt, nằm ở Tamil Nadu, Ấn Độ. Nó là một phần của “Nhóm Di tích tại Mamallapuram” được UNESCO công nhận Di sản Thế giới. Tên “Krishna’s Butterball” có nguồn gốc từ vị thần Hindu, Krishna. Theo thần thoại Hindu, Thần Krishna từng ăn trộm bơ từ kim khí của mẹ mình có tên là “Handi”. Hình dạng của tảng đá này khá giống "Handi".
Tảng đá thăng bằng này còn được gọi là “Vaanirai Kal” trong tiếng Tamil, và điều đó có nghĩa là “Đá của Thần Trời”. Mặt sau trên cùng của tảng đá đã bị xói mòn. Điều thú vị là tảng đá vẫn có hình dạng tròn từ mọi góc độ ngoại trừ phần trên của mặt sau. Trong quá khứ, nhiều vị vua đã cố gắng di chuyển tảng đá nhưng không thành công.
6. Tảng Pinnacle, Mỹ
Pinnacle là một tảng đá sa thạch khổng lồ nhô lên trên địa hình xung quanh ở dãy núi Chiricahua, Arizona. Nó là một điểm đến nổi tiếng và một điểm chụp ảnh yêu thích của du khách. Khoảng 27 triệu năm trước, một vụ phun trào núi lửa khổng lồ đã thải ra lớp tro dày và nóng màu trắng.
Sau đó, nó nguội đi và đông cứng lại thành một lớp màng cứng, tạo ra khối tro núi lửa đen gần 609m, có hàm lượng silic và đá bọt cao. Từ từ với sự xói mòn, những tảng đá đó biến đổi thành những hình dạng thú vị.
7. Tảng Arches, Mỹ
Cao 29m và nặng 3.600 tấn tảng Arches là một trong những “tác phẩm điêu khắc” hấp dẫn nhất của Vườn quốc gia Arches. Nó được tạo thành từ hai loại đá khác nhau. Đá phía trên có màu đỏ hồng là đá sa thạch Entrada, và loại đá thứ hai là một phần của hệ Caramen, được tạo thành từ đá bùn.
Đá bùn bào mòn nhanh hơn nhiều so với đá sa thạch. Các nhà địa chất cho rằng bệ mềm hơn từ đá bùn sẽ bị tan rã, một ngày nào đó, tảng đá cân bằng này có thể rơi xuống do quá trình bào mòn. Sự cố tương tự đã xảy ra vào năm 1975 khi một tảng đá gần đó được gọi là "Chip-Off-the-Old-Block" bị đổ.
8. Tảng Chiremba, Zimbabwe
Các tảng Chiremba là những khối đá granit khổng lồ nằm chồng lên nhau, tạo thành những hình thù kỳ thú. Những tảng đá này đã được xếp là di tích quốc gia vào năm 1994. Theo trang web chính thức của di tích, những tảng đá này tượng trưng cho hòa bình và ổn định của nền kinh tế quốc gia, được mô tả trên các tờ tiền cũ của Zimbabwe.
Hàng tỷ năm trước, magma hình thành trong vỏ Trái đất và bị ép trồi lên bề mặt. Khi nguội từ từ và đông đặc lại, nó hình thành đá kết tinh cứng, như đá granit. Đá granit ở Chiremba được biết đến với độ cứng, đặc biệt là so với các loại đá trầm tích như đá cát hoặc đá bùn. Do mềm hơn đáng kể, quá trình xói mòn sẽ tiếp tục, có nhiều khả năng những viên đá này sẽ bị bào mòn.
9. Tảng Golden, Myanmar
Chùa Kyaiktiyo, còn được gọi là "Golden Rock", là một địa điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng ở Myanmar. Tảng đá Vàng có đường kính 25m, nằm trên rìa của một ngọn đồi cao 914m; ngôi chùa trên tảng đá cao khoảng 7m. Tảng đá khổng lồ này hoàn toàn độc lập với phần đế, có diện tích tiếp xúc với đế rất nhỏ. Toàn bộ tảng đá được dát vàng lá tạo nên vẻ hấp dẫn và linh thiêng.
Một niềm tin mạnh mẽ gắn liền với ngôi đền này là bất cứ ai hành hương đến ngôi đền này ba lần trong một năm sẽ được ban phước thịnh vượng, được công nhận và tôn trọng. Theo một trong các truyền thuyết, chỉ có phụ nữ mới có thể đẩy tảng đá và ném nó xuống. Vì vậy, theo quy định của ngôi đền, không người phụ nữ nào được chạm vào tảng đá đó.
10. Tảng Haida Gwaii, Canada
Tảng đá ở Haida Gwaii nằm ngay cạnh đại dương đó đã thu hút khách du lịch trong nhiều thập kỷ. Điều đáng ngạc nhiên là những con sóng lớn vẫn chưa thể di chuyển được tảng đá. Mặc dù không có bằng chứng, nhưng nó có thể được hình thành do sự rút lui của băng hà.
Theo Dan Gibson, Phó Giáo sư tại Khoa Khoa học Trái đất, Đại học Simon Fraser cho biết, trọng tâm của tảng đá tập trung chính xác vào điểm tiếp xúc với lớp đá bên dưới, tạo ra liên kết dường như không thể phá vỡ. Bởi vì tảng đá đó rất lớn và nặng, khối lượng của tảng đá đó và trọng tâm của nó tạo ra một lực ma sát tiếp xúc cao đến mức nó trở thành một vật thể rất ổn định và khó di chuyển. Lực hấp dẫn đơn thuần “dán” nó vào tảng đá bên dưới.