Những thánh địa khảo cổ chờ khai phá năm 2018
Các nhà khảo cổ khắp thế giới đang lên kế hoạch tiến sâu vào những địa điểm kỳ bí bậc nhất mà các cuộc nghiên cứu năm 2017 đã cung cấp những manh mối ban đầu.
Một số địa điểm khảo cổ hứa hẹn nhiều điều thú vị nhất trong năm 2018 đã được Live Science điểm qua:
1. Ả Rập Saudi: Công trình đá 7.000 tuổi, di chỉ 1,8 triệu năm tuổi
Vào tháng 8-2017, Ủy ban Du lịch và Di sản quốc gia Ả Rập Saudi đã báo cáo 46 di chỉ - nơi tìm thấy vô số hiện vật của người tiền sử có niên đại từ 250.000 đến 1,8 triệu năm về trước. Các phát hiện này cho thấy Ả Rập Saudi có thể là một trong những quê hương sớm nhất của loài người.
Sa mạc Nefud, nơi chứa đựng bằng chứng về một trong những quê hương xa xưa nhất của loài người - (ảnh: LIVE SCIENCE).
Cũng trong năm 2017, giữa lòng một sa mạc hoang vu của Ả Rập Saudi, nhờ công cụ Google Earth, thế giới được tận mắt chiêm ngưỡng lãnh địa với 400 cấu trúc đá kỳ lạ, ước tính đến 7.000 năm tuổi xây trên dung nham núi lửa. Các nhà khoa học từng chạm tới một số cấu trúc nhưng bỏ dở vì không nhận thấy sự kỳ vĩ của nó cũng như vì địa hình quá hiểm trở.
Một phần của thánh địa bao gồm 400 công trình nhân tạo xưa nhất nhân loại - (Ảnh: LIVE SCIENCE).
Tháng 11/2017, các nhà khoa học của quốc gia này đã ký kết "Công ước khảo cổ học Ả Rập lần thứ nhất". Dự định trong năm 2018, các nhà khảo cổ sẽ tiến sâu vào các địa điểm kỳ thú nói trên.
2. Ngôi mộ đầy châu báu của chiến binh Hy Lạp
Một chiếc nhẫn vàng ròng được hé lộ từ ngôi mộ bí ẩn - (ảnh: LIVE SCIENCE).
Trong mộ là di hài một chiến binh qua đời bởi nhát kiếm chí mạng và bốn người khác. Họ được chôn cùng rất nhiều nhẫn vàng, bạc, những thanh kiếm bằng ngà voi, một con dao găm vàng và vô số món đồ tạo tác khác.
Các nhà khảo cổ cho biết họ rất ngạc nhiên bởi ngôi mộ đầy châu báu này vốn nằm trong một khu vực rất nhiều kẻ trộm mộ nhòm ngó. Địa điểm chính thức chưa được công bố vì lý do an toàn và chúng ta hy vọng có thể biết về nó sau cuộc viếng thăm của các nhà khoa học vào năm 2018.
2. Thư viện cổ đại – hang động thứ 13 chứa những "cuộn giấy Biển Chết"
"Dead Sea Scrolls" - những cuộn giấy Biển Chết chính là bản sơ khai nhất của Kinh thánh Hebrew – bản kinh thánh cổ xưa nhất thế giới. Nhiều phần của Kinh thánh Hebrew đã được tìm thấy trong 12 hang động ở khu vực Qumran bên bờ Biển Chết, kể từ khi một cậu bé chăn cừu phát hiện hang động đầu tiên vào năm 1947. Các nhà khoa học hy vọng trong năm 2018 sẽ tìm ra thư viện cổ đại thứ 13.
Một phần của "Dead Sea Scrolls" - (ảnh: LIVE SCIENCE).
Thư viện cổ đại là những hang động khổng lồ - (ảnh: LIVE SCIENCE).
4. Thung lũng các vị vua
Thung lũng các vị vua là cái tên không còn xa lạ nhưng vẫn chưa hết bí ẩn. Đó là nơi con người hiện đại phát hiện hàng loạt ngôi mộ của các pharaoh Ai Cập cùng những vị quý tộc khác.
Ngôi mộ tuyệt đẹp của pharaoh Ay - (Ảnh của nhóm khảo cổ).
Một phần thung lũng các vị vua hé lộ các cửa hầm mộ - (Ảnh: LIVE SCIENCE).
Năm 2017, ngôi mộ của pharaoh Ay (1327-1323 trước công nguyên) đã được xác định, hé lộ nhiều chuyện thâm cung bí sử thông qua các hiện vật và cổ văn tượng hình. Và vẫn còn nhiều điều chờ được khai phá trong năm 2018 và nhiều năm sau nữa.
5. Đại đô thị Maya dưới tán rừng già Guatemala
Đầu tháng 2/2018, một nhóm khảo cổ quốc tế tuyên bố đã phát hiện hơn 60.000 cấu trúc chưa từng được biết đến thuộc về nền văn minh Maya huy hoàng.
Thành phố có kiến trúc vô cùng hùng vĩ với nhiều thành lũy, kim tự tháp, pháo đài. (Ảnh do nhóm khảo cổ cung cấp).
Thành phố có kiến trúc vô cùng hùng vĩ với nhiều thành lũy, kim tự tháp, pháo đài… cho thấy được xây dựng vào thời chiến tranh. Theo các chuyên gia, đại đô thị mang tên Tikal này có thể chứa đến 15 triệu người với hầu hết là binh lính.
Một chiếc máy bay mang theo LiDAR - thiết bị chuyên dụng để dựng lại bản đồ 3D dựa trên các tàn tích - đã cho thấy một tòa thành vĩ đại ngoài sức tưởng tượng, phô bày khả năng toán học, kiến trúc và xây dựng đáng kinh ngạc của người Maya. Chưa ai biết đến vì đơn giản nó được giấu dưới những tán rừng già rậm rạp và khó tiếp cận tại Guatemala.