Những thực phẩm biến đổi gene thường gặp nhất
Cà chua, ngô, đậu tương là ba trong số những loại cây biến đổi gene được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Cà chua là loại thực phẩm biến đổi gene đầu tiên được sử dụng rộng rãi tại Mỹ. Năm 1994, các nhà khoa học tạo ra giống cà chua Flavr Savr với một gene bất hoạt làm cho cây không sản xuất polygalacturonaza, loại enzyme kích hoạt quá trình thối của quả cà chua. Nhưng do lo ngại cà chua biến đổi gene có thể gây ung thư, giống cây này không còn được trồng kể từ năm 1998, theo How Stuff Works. (Ảnh: Kamdora).
Virus gây bệnh đốm vòng là vấn đề lớn cho ngành công nghiệp đu đủ ở Hawaii, Mỹ. Vào thập kỷ 1980, người dân bắt đầu trồng thử nghiệm giống đu đủ biến đổi gene kháng chủng virus này. Sau đó, họ chuyển sang trồng trên quy mô thương mại vào năm 1999. Hiện nay, đu đủ biến đổi gene được cấp phép sử dụng tại Mỹ và Canada trong khi Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa cho phép sử dụng chúng. (Ảnh: Juicing For Health).
Lúa là cây lương thực chính cho hơn một nửa dân số thế giới. Do đó, việc giữ cho các vụ lúa của thế giới khỏe mạnh góp phần ngăn ngừa tình trạng khủng hoảng lương thực. Trung Quốc hiện nay là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu lúa biến đổi gene, nhằm tạo ra các giống lúa mới có khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn, chịu mặn. Dù một giống lúa kháng sâu bệnh đã được phê duyệt tại Mỹ, nông dân vẫn chưa sử dụng chúng để canh tác. (Ảnh: Kristen Michaelis).
Ngoài chức năng làm thức ăn cho con người, phần lớn khoai tây được dùng vào mục đích khác như làm thức ăn cho gia súc, cung cấp nguyên liệu thô dưới dạng tinh bột hoặc chế biến rượu. Hiện nay, khoảng 10% số khoai tây trong các cửa hàng bán thực phẩm ở Mỹ là khoai tây biến đổi gene. Khoai tây biến đổi gene cũng có thể xuất hiện trong các sản phẩm chế biến có chứa khoai tây. (Ảnh: Atli Arnarson).
Mỹ là quốc gia sản xuất ngô lớn nhất thế giới. Năm 2000, Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính khoảng 25% giống ngô trồng ở quốc gia này là loại cây biến đổi gene. Một trong những mối nguy hại lớn nhất của ngô biến đổi gene là chúng có khả năng thụ phấn nhờ gió, làm hỏng các giống ngô bình thường trồng ở những cánh đồng gần đó. (Ảnh: Fotolia).
Đậu tương là loại cây bị chỉnh sửa gene nhiều nhất trong số tất cả các loại cây trồng, nhằm làm tăng sức đề kháng với côn trùng và nấm, làm phong phú thêm các loại vitamin, hàm lượng chất béo và protein. Năm 2007, hơn một nửa số đậu tương trên thế giới là cây trồng biến đổi gene. (Ảnh: Danielle Menke).
rBGH là loại hormone tăng trưởng bò tái tổ hợp. Hormone này được tổng hợp từ vi khuẩn biến đổi gene. Sau khi tiêm cho bò, nó sẽ giúp con vật sản xuất nhiều sữa hơn bằng cách giữ cho các tế bào sản xuất sữa tồn tại lâu hơn bình thường. Việc sử dụng rBGH bị cấm ở Liên minh châu Âu (EU) và Australia, nhưng được cấp phép sử dụng tại Mỹ. (Ảnh: Farming America).
Ở phía tây Canada, khoảng 80% cây cải dầu là cây trồng biến đổi gene. Chúng có khả năng chống lại một số loại thuốc diệt cỏ nhất định. Điều này giúp người nông dân kiểm soát cỏ dại dễ dàng hơn, sử dụng lượng thuốc trừ sâu ít hơn, làm tăng năng suất cây trồng. (Ảnh: Alamy).