Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010

Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian. Tuy nhiên, những thất bại này sẽ không làm suy yếu quyết tâm khám phá những bí ẩn vũ trụ của con người và các cuộc thám hiểm không gian vĩ đại sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai.

Hãy cùng Tân Hoa xã ngược dòng thời gian điểm lại các thất bại trong việc phóng thiết bị vào không gian của năm 2010:

Vệ tinh Ấn Độ nổ tung sau khi phóng

 

Vụ phóng vệ tinh viễn thông mới nhất của Ấn Độ đã thất bại chiều ngày 25/12 khi tên lửa đẩy GSLV-F06 gặp trục trặc ngay sau lúc cất cánh từ sân bay vũ trụ Sriharikota, miền nam Ấn Độ.

"Các tên lửa phóng vệ tinh địa tĩnh (GSLV) mang theo vệ tinh viễn thông GSAT-5P đã phát nổ trên không chỉ vài giây phút sau khi cất cánh từ trung tâm phóng tên lửa Sriharikota. Vụ phóng lúc 4 giờ chiều không thành công do lỗi kỹ thuật ở giai đoạn đầu tiên", các nguồn tin cho biết.

Vệ tinh GSAT-5P của Ấn Độ được trang bị 36 bộ thu và sử dụng động cơ do Nga sản xuất. Ấn Độ dự kiến sẽ dùng vệ tinh viễn thông này để phục vụ các nhu cầu của ngành viễn thông và cơ quan dự báo thời tiết ở nước này cũng như dần dần thay thế các vệ tinh INSAT-2E đã được phóng lên qũy đạo từ năm 1999.

Vệ tinh Nga rơi xuống Thái Bình Dương

 

Ba vệ tinh mà Nga phóng lên quỹ đạo để hoàn tất hệ thống định vị Glonass đã bị rơi xuống Thái Bình Dương, không xa quần đảo Hawaii của Mỹ vào ngày 5/12. Hãng thông tấn Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga cho biết, các vệ tinh này bị lạc đường bay và gây nên một tình huống ngoài kế hoạch.

Theo Interfax, tên lửa đẩy Proton-M, mang 3 vệ tinh Glonass M (trọng lượng 1,4 tấn) được phóng vào không gian sáng sớm ngày 5/12 từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan. Sự cố đã xảy ra nhưng không gây thương vong hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống Glonass.

Một nguồn tin nhận định, tai nạn có thể xuất phát từ việc lực đẩy mạnh hơn của tên lửa Proton-M đã làm nó chệch đường bay dự kiến tới 8 độ.

Hệ thống định vị toàn cầu Glonass được quân đội Nga phát triển từ những năm 1980, để cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ và hệ thống Galileo của Châu Âu. Hệ thống Glonass hiện có 26 vệ tinh phủ sóng bao trùm lãnh thổ rộng lớn của Nga và toàn thế giới. Trong đó, có 2 vệ tinh dự phòng cho tình huống khẩn cấp. Theo kế hoạch, hệ thống này sẽ đi vào hoạt động đầy đủ trong năm 2010.

Tên lửa mang vệ tinh Hàn Quốc phát nổ

 

Tên lửa mang vệ tinh quan sát khí hậu của Hàn Quốc đã nổ tung hôm 10/6 chỉ khoảng 137 giây sau khi được phóng đi từ Trung tâm vũ trụ Naro ở tỉnh Jeollanam, cách phía nam thủ đô Seul 460 km.

Kênh tin tức YTN của Hàn Quốc đưa tin, tên lửa Naro-1 gặp nạn khi đạt tới độ cao 70km so với bề mặt Trái đất. Naro-1 là tên lửa hai giai đoạn dài 33 m, nặng 140 tấn, được phát triển với sự trợ giúp của các chuyên gia Nga và "ngốn" tới 502 tỉ Won (khoảng 404,5 triệu USD) ngân sách đầu tư của Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một nguồn tin thuộc Viện Nghiên cứu khoa học vũ trụ Hàn Quốc tiết lộ, họ đã mất liên lạc với tên lửa Naro-1 sau hơn 2 phút rời bệ phóng. Các mảnh vỡ của tên lửa Naro-1 đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi Trung tâm vũ trụ Naro.

Đây là lần thứ hai Hàn Quốc tìm cách đưa vệ tinh vào không gian sau nỗ lực bất thành hồi tháng 8/2009. Việc phóng tên lửa Naro-1 đáng lẽ ra diễn ra ngày 9/6 nhưng bị hủy chỉ ba tiếng đồng hồ trước giờ dự kiến vì chất lỏng rò rỉ từ thiết bị. Tuy nhiên, Bộ Công nghệ, Khoa học và Giáo dục Hàn Quốc cho biết, các chuyên gia đã kiểm tra kỹ lưỡng và xác nhận việc rò chất lỏng đó không ảnh hưởng đến mức độ an toàn của tên lửa và lên lịch phóng mới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất