Norovirus trong hàu sống gây bệnh cho người dân Bắc Mỹ

Vừa qua, hàu sống đánh bắt tại Canada đã bị quy là nguồn bùng phát norovirus khiến hơn 200 người mắc bệnh, theo các viên chức y tế.

Hôm Thứ Ba (1/5), Bộ Y tế Công cộng tiểu bang California (CDPH) đã cảnh báo người dân tránh ăn hàu sống có nguồn gốc từ khu vực British Columbia (Canada), do lo ngại dịch bùng phát này – khiến hơn 100 người ở California và 172 người ở Canada nhiễm bệnh, theo CDPH.

Norovirus xuất hiện trong hàu bằng cách nào?


Hàu sống. (Ảnh: Shutterstock).

Đây là một loại virus rất dễ lây nhiễm, gây ra tình trạng đột nhiên nôn mửa và tiêu chảy. Norovirus có thể lan truyền từ người này sang người khác, hay do ăn phải thực phẩm nhiễm độc. Hàu và một số loài động vật có vỏ (tôm, cua, sò, hến) có thể trở thành nguồn bùng phát virus phổ biến – theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).

Hiểu chính xác về cách mà norovirus xuất hiện trong hàu quả thật không mấy lý thú (nhất là với những ai hay ăn chúng). Điều này xảy ra khi các động vật có vỏ tiếp xúc với nước thải không qua xử lý (như trên bong tàu) hay chất nôn mửa – theo Bộ Y tế tiểu bang Washington. Chất thải thường được đổ ra biển theo những nguồn sau: chẳng hạn, qua hệ thống hầm cầu bị rò rỉ, hệ thống xử lý nước thải bị lỗi, hay thậm chí do người đi biển tự ý biến nơi đây thành toilet,…

Bởi vì tôm, cua, sò, hến,… lấy thức ăn nhờ lọc nước biển, cho nên các phân tử norovirus có thể tích tụ lại bên trong cơ thể chúng. Mặc dù nhiều loài động vật có vỏ đều có khả năng lan truyền norovirus, tuy nhiên sự bùng phát thường hay liên quan đến hàu do thói quen ăn sống của người tiêu dùng – cơ quan chức năng giải thích.

Để ngăn ngừa bệnh tật do norovirus gây ra vì ăn các động vật có vỏ, CDPH khuyến cáo người dân nên nấu chín chúng ở nhiệt độ ít nhất 145 độ F (khoảng 63 độ C).

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất