Nước biển dâng, nông dân Bangladesh hồi sinh phương thức canh tác cổ xưa
Nông dân Mohammad Mostafa sống ở phía tây nam Bangladesh đã hồi sinh phương thức canh tác trên bè nổi của tổ tiên, trong bối cảnh nước biển dâng và lũ lụt đe dọa đất canh tác.
Ngập úng kéo dài là mối đe dọa ngày càng tăng ở phía tây nam Bangladesh, nên các gia đình tự cung thực phẩm chuyển sang dùng bè trồng rau quả lẫn trái cây như dưa leo, củ cải, khổ qua, đu đủ, cà chua. Bè canh tác được đan từ thân lục bình đem lại phương thức canh tác cho họ trong mùa gió chướng ngày càng khắc nghiệt, đất đai không còn khô ráo như trước.
Phương thức 200 năm tuổi này ban đầu được nông dân dùng trong mùa nước nổi địa phương thường kéo dài khoảng 5 tháng mỗi năm. Nhưng ngày nay, khu vực chìm trong nước 8 - 10 tháng, diện tích đất bị ngập tăng lên.
“Giờ đây, đất ngập nước lâu hơn. Kỹ thuật cổ xưa giúp chúng tôi kiếm sống, cha và tổ tiên tôi từng canh tác như vậy. Lúc trước tôi cố kiếm tiền bằng nghề bán trái cây nhưng cuối cùng lại mắc nợ. Tôi thử vận may bằng canh tác trên bè cách đây 5 năm và công việc đã đem lại sự thay đổi lớn cho cuộc đời tôi”, nông dân Mostafa chia sẻ. Ông là trụ cột duy nhất của một gia đình 6 thành viên.
Hiện đã có 6.000 nông dân sống ở phía tây nam Bangladesh áp dụng phương thức canh tác trên bè. Huyện Pirojpur thuộc vùng Barisal có 157 hecta bè nổi, huyện Nazirpur có 120 hecta.
Digbijoy Hazra - quan chức nông nghiệp tại Pirojpur - cho biết: “Canh tác trên bè cần ít không gian hơn canh tác thông thường và không cần thuốc trừ sâu. Khi chúng ta đang chiến đấu với tác động từ tình trạng nóng lên toàn cầu, canh tác trên bè có thể chính là tương lai”.
Mô hình canh tác trên bè tại huyện Pirojour - (Ảnh: Reuters).
Theo chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu 2021 của tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch, từ năm 2000 đến 2019 Bangladesh xếp thứ 7 trong danh sách quốc gia bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm ngoái cũng đánh giá: “Vì là đồng bằng lớn nhất thế giới nên phần lớn diện tích Bangladesh thường xuyên phải hứng chịu lũ lụt - đặc biệt là lũ quét - cùng với xói mòn”. Hơn một phần tư dân số 165 triệu người của nước này sinh sống vùng ven biển.
Một báo cáo năm 2019 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xác định nước biển dâng cao cùng xói mòn có thể khiến Bangladesh mất 17% diện tích đất liền và 30% sản lượng lương thực vào năm 2050.
Nông dân Mostafa nói rằng với canh tác trên bè, hiện tại ông tự nuôi sống được gia đình. Tuy nhiên, lợi nhuận cũng bị thu hẹp vì chi phí tăng cao thời gian gần đây. Năm nay, ông phải chi khoảng 4.500 taka (43 USD) cho 1,2 tấn thân lục bình đan thành bè mới – năm ngoái ông chỉ tốn 1.000 taka (gần 10 USD).
Bè canh tác mất 2 tháng để đan, thường dài 6 mét và rộng 1 mét, dùng được 3 - 4 tháng.
Nông dân Mohammad Ibrahim cảm thấy yên tâm hơn khi canh tác trên bè nổi, bè cũng cho phép trồng nhiều loại rau củ quả hơn. Ông chia sẻ: “Mực nước đang dâng cao. Nơi tôi từng chơi bóng giờ chìm trong nước mỗi lúc thủy triều lên”.
Nhưng canh tác trên bè nổi cũng có khuyết điểm. Bà Murshida Begum, vợ của ông, mỗi ngày phải dành ra 8 tiếng làm cây giống đem trồng lên bè và lục bình gây ngứa, lở loét khắp bàn tay.
- Khám phá 5 hiện tượng ảo ảnh nổi tiếng nhất trên thế giới, đánh lừa mọi đôi mắt dù là tinh tường nhất
- NASA chụp được bàn tay ma quái đang nắn ra thế giới mới
- Vì sao những ngôi chùa thiêng thường được dựng trên núi?