PC: Khăn giấy, đầu bếp và... hơn thế nữa
Hãy quên đi những chiếc hộp sắt màu xi măng khô cứng. Máy tính hoàn toàn có thể trở nên sinh động hơn, bắt mắt hơn và... tươi mát hơn.
Cuộc thi thiết kế PC Thế hệ mới do Microsoft tài trợ đã bước vào năm thứ 4, với chiến thắng thuộc về rất nhiều ý tưởng độc đáo. Không chỉ sáng tạo về kiểu dáng và hình khối, các ý tưởng đoạt giải còn đặc biệt chăm chút cho niềm đam mê và sở thích cá nhân.
Lấy thí dụ như "PC khăn giấy", ý tưởng đoạt giải nhất của sinh viên khoa Thiết kế công nghiệp Avery Holleman.
Đó là một cỗ máy tính "đa giao diện, nhiều người dùng", bao gồm nhiều bề mặt có hình chữ nhật siêu mỏng, trông xa như "khăn giấy" và một chiếc "bút" đi kèm.
Theo miêu tả của Holleman, khi dùng "bút" để khởi động hệ thống, các tấm "Khăn giấy" sẽ trở thành màn hình nhập liệu đa cảm ứng, có thể điều khiển được bằng cả tay lẫn "Bút".
Về đích ở vị trí thứ hai là ý tưởng máy tính mang tên "WITHUS". Mục đích của nó là giúp cho trẻ mẫu giáo "hình thành nên nhân cách và các mối quan hệ xã giao cơ bản", bằng cách "vừa chơi vừa học với máy tính cảm ứng".
Khác với máy tính truyền thống, "WITHUS" khuyến khích việc trẻ bắt tay "hợp tác" trực tiếp với bạn bè trên máy.
3. Đứng ở vị trí số 3 là "Nhật ký Ba lô", một ý tưởng máy tính nhắm đến "dân phượt": vừa mê du lịch lại vừa nghiện công nghệ.
Dưới hình hài của một quyển sách truyền thống, mỗi trang khác nhau của Nhật ký Ba lô lại cung cấp một tính năng riêng, chẳng hạn như quay phim, ghi âm hoặc sạc pin năng lượng mặt trời.
4. Ý tưởng máy tính này có tên gọi DNA, về cơ bản là một thiết kế máy tính gồm nhiều module ghép lại với nhau.
Chính vì thế, nó mang tính tùy biến cao độ khi người dùng được tự do lựa chọn hình khối, kiểu dáng và sự cơ động cho hệ thống.
DNA bao gồm một module chính là 3 phụ kiện: máy chiếu, bàn phím cùng nguồn điện. Người dùng có thể mua riêng các module khác nếu có nhu cầu.
5. Với tên gọi FIT, hệ thống này giúp người dùng lên kế hoạch tập luyện thể lực một cách chặt chẽ. Máy sẽ giám sát lượng calo bị đốt cháy, nhịp tim, những tiến bộ trong thành tích của bạn và rất nhiều thông số khác nữa.
Nếu như chủ nhân không tuân theo kế hoạch tập luyện đã vạch sẵn, thiết bị sẽ tự động điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn không cho anh ta/cô ta tiêu tốn quá nhiều calo.
6. Yuno không chỉ là một chiếc ca đựng đồ uống buổi sáng, mà nó còn là màn hình cảm ứng hiển thị những thông tin bạn muốn biết. Bạn sẽ không cần phải bật máy tính để "lướt qua" thời sự đầu giờ nữa.
7. Palette là một thiết kế hệ thống phần cứng dành riêng cho giới đồ họa, nghệ sĩ và những ai đam mê nghệ thuật thị giác.
Lấy thí dụ, màn hình sử dụng vi cảm biến hình ảnh quang học, nhận dạng được màu sắc.
8. Cũng là một ý tưởng lọt vào vòng chung kết, Siafu được hy vọng sẽ cách mạng hóa cách người khiếm thị tương tác với máy tính.
Bề mặt của Siafu sử dụng một loại vật liệu có tên gọi "Đất sét - magiê", có thể dễ dàng nổi gồ lên thành mọi hình thù, kể cả hệ thống chữ nổi Braille.
9. Ý tưởng "Clipboard của Huấn luyện viên" được thiết kế dành riêng cho dân mê thể thao. Người dùng có thể truy cập tức thì vào mọi thông số kỹ thuật, các phân tích, trích đoạn tình huống đáng chú ý và tổ chức mọi hoạt động cho một giải đấu ảo.
10. T-Horizon biến máy tính thành những chiếc cặp ca-táp nhỏ gọn, với CPU tháo rời được (vừa tăng tính cơ động, vừa đảm bảo an toàn dữ liệu).
Ngoài ra, nó còn trang bị tính năng "Sách giáo khoa" cho phép đọc sách và nhắc giờ họp. Màn hình dẻo trong suốt có kích cỡ to gấp đôi các thiết kế hiện nay.
11. Smartchef được mô tả là một "cộng sự đắc lực trong nhà bếp", dành riêng cho những ai đam mê nấu nướng, pha chế và thưởng thức nghệ thuật ẩm thực.
Thiết bị này bao gồm hai bộ phận: một chiếc bàn nấu nướng di động và một màn hình tablet hiển thị công thức món ăn/đồ uống.
Nguồn ảnh: CNET.