Pháp: Phát hiện ngôi mộ người Etruscan cổ đại trên đảo Corse
Viện nghiên cứu khảo cổ học quốc gia Pháp vừa phát hiện ra một hầm mộ người Etruscan có niên đại 23 thế kỷ, trong khi tiến hành khai quật một đô thị La Mã ở thị trấn Aleria, phía Bắc đảo Corse.
Theo phóng viên tại Paris, Viện nghiên cứu khảo cổ học quốc gia Pháp (INRAP) vừa phát hiện ra một hầm mộ người Etruscan có niên đại 23 thế kỷ, trong khi tiến hành khai quật một đô thị La Mã ở thị trấn Aleria, phía Bắc đảo Corse.
Khám phá này rất quan trọng vì đây là hầm mộ còn khá nguyên vẹn của một gia đình người Etruscan giàu có, sống trên đảo Corse từ 300 đến 400 năm trước Công nguyên.
Đảo Corse. (Nguồn: pinterest.com).
Theo ông Laurent Vidal, người phụ trách các cuộc khai quật ở Aleria, cho biết tuy trần hầm mộ đã bị sụp, nhưng bên trong còn nguyên các bộ hài cốt cùng với đồ trang sức, vũ khí và các đồ vật nghi lễ.
Các kỹ thuật tiên tiến được sử dụng trong việc khai quật và nghiên cứu, góp phần giúp con người ngày nay hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người Etruscan cổ đại.
Là một trong những dân tộc bí ẩn nhất ở châu Âu, người Etruscan đã xây dựng một nền văn minh phức tạp nhất tại Italy, trước cả người La Mã.
Tuy nhiên, lịch sử của họ vẫn là điều bí ẩn. Sự phát triển rực rỡ nhất dường như rơi vào khoảng thời gian giữa thế kỷ 8 và thế kỷ 1 trước Công nguyên.
Xuất phát từ vùng Tuscany và Umbria, nền văn minh Etruscan chinh phục và hình thành nên nhiều thành phố thịnh vượng bên bờ Địa Trung Hải, cũng như thiết lập các quan hệ trao đổi thương mại và văn hóa với nhiều địa phương khác.
Theo các nhà khảo cổ học, người Etruscan đã chiếm vùng Aleria từ tay người Phocaean vào khoảng năm 540 trước Công nguyên.
Aleria sau đó trở thành một trung tâm thương mại trên biển Tyrrhenian (một phần của Địa Trung Hải). Địa phương này rơi vào tay người La Mã vào khoảng năm 259 trước Công Nguyên.