Phát hiện bốn loài cá mập biết đi mới

Các nhà sinh vật học tìm thấy bốn loài cá mập mới có khả năng đi bộ dưới đáy biển ở vùng biển nông ngoài khơi Australia và New Guinea.

Cá mập đã lang thang khắp các đại dương trên thế giới từ khoảng 400 triệu năm trước, sớm hơn rất nhiều so với khủng long. Trong khi một số loài hầu như không thay đổi, một số khác lại đang tiến hóa để thích nghi với sự thay đổi điều kiện môi trường sống. Cá mập biết đi là một ví dụ điển hình.


Cá mập Epaulette da báo (Hemiscyllium michaeli) sống ở vùng biển Milne Bay, phía đông Papua New Guinea. (Ảnh: CNN).

Trong nghiên cứu mới được công bố tuần này trên tạp chí Marine and Freshwater Research, các nhà khoa học cho biết đã tình cờ tìm thấy bốn loài cá mập biết đi mới trong lúc thu thập mẫu ADN của một loài cá mập khác. Tất cả được cho là đã phát triển khả năng đi bộ dưới đáy biển trong khoảng thời gian 9 triệu năm trở lại đây, trong đó, loài nhỏ nhất có thể chỉ bắt đầu tiến hóa từ hai triệu năm trước. 

"Điều này rất bất thường vì hầu hết cá mập tiến hóa chậm", Gavin Naylor, Giám đốc Chương trình nghiên cứu cá mập tại Đại học Florida, Mỹ nhấn mạnh. Chẳng hạn như loài cá mập sáu mang sống dưới biển sâu, chúng dường như bị mắc kẹt trong thời gian với những đặc điểm vật lý không thay đổi trong suốt 180 triệu năm qua.

"Phát hiện này chứng tỏ cá mập hiện đại có sức mạnh tiến hóa phi thường và khả năng thích nghi cao với điều kiện môi trường thay đổi", Mark Erdmann, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết thêm. Hemiscyllium michaeli, dài gần một mét, là một trong bốn loài cá mập biết đi mới được phát hiện. Chúng sử dụng vây ngực và vây bụng để đi bộ dưới đáy biển, thậm chí có thể bò lên các rạn san hô phía trên mặt nước khi thủy tiều rút. Khả năng này cho phép chúng luồn lách giữa các hồ thủy triều để bắt tôm, cua, cá nhỏ hay bất kỳ thứ gì mà chúng tìm thấy.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất