Phát hiện enzyme kéo dài cơn đau sau tổn thương
Các nhà khoa học đã nghiên cứu thí nghiệm trên chuột và phát hiện thấy enzyme ở não khiến các cơn đau kéo dài sau tổn thương thần kinh và họ hy vọng sử dụng loại enzyme mới này để chữa trị các cơn đau mãn tính ở người.
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn internet)
Phát hiện trên của các nhà khoa học Canada và Hàn Quốc đăng trên tạp chí Khoa học cho thấy họ đang cố gắng tìm ra phương pháp giảm thiểu nỗi đau sau khi phát hiện được loại enzyme này.
Trưỏng nhóm nghiên cứu, giáo sư sinh lý học Min Zhuo thuộc trường Đại học Toronto nói: “Phát hiện này cung cấp cho chúng ta hiểu biết cơ bản về cơ chế hoạt động của não đối với các cơn đau mãn tính. Nó không chỉ tạo ra một khả năng mới cho việc điều chế thuốc giảm đau mới mà còn còn giúp chúng ta biết được tại sao nhiều loại thuốc không có tác dụng kiểm soát được các cơn đau mãn tính.”
Cũng theo giáo sư Min Zhuo, mặc dù các loại thuốc giảm đau đã tồn tại một thời gian dài trên thị trường được sử dụng trong chữa trị các cơn đau mãn tính như bệnh ung thư và các trưòng hợp giảm đau giai đoạn cuối nhưng nhiều nơi trên thế giới vẫn không có đủ thuốc để dùng.
Giáo sư Zhuo và các đồng sự của mình đã phát hiện được các cấp độ tăng lên của loại enzyme "protein kinase M zeta" trong vùng vỏ não phía trước của những chú chuột bị thương.
Để xác định được chức năng của loại enzyme này, họ đã tách một gen mà họ cho là sản sinh loại enzyme này từ nhóm các con chuột khác. Cuối cùng, họ phát hiện thấy những chú chuột được tách enzyme trên đã trải qua ít hoặc thậm chí không có cơn đau mãn tính nào sau khi bị tổn thương thần kinh.
Giáo sư Zhuo và nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện trên sẽ hữu ích cho việc điều chế một thế hệ thuốc mới để kiểm soát loại ezyme kéo dài đau đớn này.
Ông Zhuo nói: “Hiện nay, nhiều thuốc giảm đau không có tác dụng đối với các cơn đau mãn tính, đặc biệt là các cơn đau thần kinh. Do đó, nhu cầu về các loại thuốc mới nhằm kiểm soát hiệu quả các cơn đau mãn tính là rất lớn”.