Phát hiện hai bức tượng thần 1.500 tuổi bị ghép nhầm tay chân
Khi tiến hành công tác bảo tồn vài chục năm trước, các chuyên gia đã ghép sai một số phần của hai bức tượng thần Krishna ở Campuchia và Mỹ.
Các nhà bảo tồn tại Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland (CMA) và Bảo tàng Quốc gia Campuchia (NMC) giải mã một "bài toán" ghép hình nhờ công nghệ quét và lập mô hình 3D, Smithsonian hôm 17/11 đưa tin. Họ chỉnh sửa lại các phần phục hồi bị lỗi của hai bức tượng miêu tả thần Krishna của đạo Hindu.
Tượng Krishna tại Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland khi bị lắp ghép sai (trái), khi đã khôi phục chính xác (giữa), và bức tượng trong Bảo tàng Quốc gia Campuchia (phải). (Ảnh: CMA/NMC)
Hai bức tượng được chạm khắc từ khoảng thế kỷ 6 để trang trí cho những ngôi đền hang động nhân tạo trên núi Phnom Da, miền nam Campuchia. Chúng làm bằng đá sa thạch tối màu, đánh bóng và miêu tả thần Krishna trong hình dạng cậu bé 8 tuổi. Krishna đã nhấc bổng ngọn núi một cách anh dũng để bảo vệ ngôi làng và cư dân khỏi trận mưa bão của một vị thần đầy lòng thù hận.
Khi các nhà khảo cổ khai quật hai bức tượng Krishna đầu thế kỷ 20, chúng đã vỡ thành nhiều mảnh. Một bức tượng không hoàn chỉnh được chuyển đến châu Âu và CMA mua lại năm 1973. Vài năm sau, các nhà bảo tồn gắn một số mảnh vỡ mới đào được gồm đùi, hai bắp chân và hai bàn chân vào bức tượng. Họ nhầm tưởng rằng chúng hoàn toàn vừa vặn.
Tuy nhiên, những mảnh vỡ này thực chất thuộc về bức tượng Krishna thứ hai, hiện nằm tại NMC, Phnom Penh. Tương tự "anh em sinh đôi" ở Cleveland, tượng Krishna ở Phnom Penh cũng bị ghép nhầm bộ phận.
Trong nhiều năm, cả hai bức tượng được trưng bày với tay chân không thích hợp. Các nhà bảo tồn lần đầu nhận ra sai lầm của những người tiền nhiệm vào khoảng năm 2015. Sử dụng công nghệ quét 3D, họ phát hiện hai mảnh thuộc một phần lớn ở phía trên bức tượng Phnom Penh đúng ra thuộc về bức tượng Cleveland. Điều trớ trêu là các nhà bảo tồn CMA từng thử ghép những mảnh này vào tượng Cleveland nhưng không được và gửi chúng đến Campuchia vào năm 2005.
Sau khi phát hiện sai sót, các chuyên gia bắt tay vào việc phục hồi cả hai bức tượng. Với sự giúp đỡ của Đại học Case Western Reserve, họ đã lập mô hình kỹ thuật số của chúng và sắp xếp lại hàng chục mảnh vỡ để xác định xem chúng được ghép với nhau như thế nào cách đây 1.500 năm.
Sonya Rhie Mace, người phụ trách nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á tại CMA, Beth Edelstein, trưởng bộ phận bảo tồn vật thể tại CMA cùng các đồng nghiệp người Campuchia, Sok Soda và Bertrand Porte, phối hợp thực hiện nghiên cứu sâu rộng. Cuối cùng, họ kết luận rằng nửa dưới nối thêm của bức tượng Cleveland không khớp với phần còn lại của cơ thể.
Hiện tại, hai bức tượng đã được phục hồi một cách chính xác hơn. Chúng sẽ được trưng bày cạnh nhau lần đầu tiên tại triển lãm "Revealing Krishna: Journey to Cambodia's Sacred Mountain" của CMA diễn ra từ 14/11/2021 đến 30/1/2022.
- Khai quật mộ cổ 2.000 năm, choáng ngợp thấy sư tử vàng nặng cả tấn cùng vô số báu vật
- "Rợn người" cảnh hàng chục con cá mập rỉa xác cá voi khổng lồ
- IBM phát triển chip lượng tử mạnh nhất thế giới