Phát hiện hai "siêu Trái Đất" nằm trong vùng ở được

Các nhà nghiên cứu tìm thấy hai ngoại hành tinh lớn gấp gần 8 lần Trái Đất có thể tồn tại nước lỏng, quay quanh những ngôi sao rất gần Mặt Trời.

Một nhóm nhà nghiên cứu đứng đầu là các chuyên gia ở Viện Khoa học Carnegie phát hiện 16 thiên thể quay quanh 9 sao lùn đỏ. Trong số đó, 5 thiên thể là ngoại hành tinh mới, 8 thiên thể cần quan sát thêm và 3 thiên thể được tìm thấy trước đó. Các nhà nghiên cứu công bố kết quả trên tạp chí Astrophysical Journal Supplement Series.


Hai ngoại hành tinh gần Trái Đất có điều kiện phù hợp cho sự sống phát triển. (Ảnh: Mirror).

Trong số các ngoại hành tinh mới phát hiện, đáng chú ý hơn cả là GJ180d và GJ229Ac, hai siêu Trái Đất nằm trong vùng ở được quanh sao lùn đỏ. Cả hai sao chủ đều nằm trong số những ngôi sao gần Mặt Trời nhất. Do sao lùn đỏ mát và nhỏ hơn Mặt Trời, hành tinh quay quanh chúng có thể chứa nước lỏng trên bề mặt dù có quỹ đạo gần sao chủ hơn so với hệ sao khác. Vì vậy, GJ180d và GJ229Ac trở thành mục tiêu quan sát trong tương lai của kính viễn vọng vũ trụ James Webb.

GJ180d và GJ229Ac có khối lượng lớn hơn Trái Đất ít nhất từ 7,5 đến 7,9 lần và chu kỳ quỹ đạo tương ứng là 106 và 122 ngày. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Fabo Feng, nhiều hành tinh xoay quanh trục ở cùng tốc độ quay quanh quỹ đạo, tương tự Mặt Trăng và Trái Đất. Điều này có nghĩa một mặt của hành tinh luôn quay về phía sao chủ và vĩnh viễn sáng như ban ngày trong khi mặt còn lại chìm trong bóng đêm. Tuy nhiên, GJ180d không bị khóa thủy triều theo sao chủ nên có thể trải qua ngày và đêm luân phiên.

GJ229Ac lại gây chú ý bởi siêu Trái Đất này nằm trong hệ sao nhị phân bao gồm sao lùn đỏ GJ229A và sao lùn nâu. Còn gọi là sao thất bại, sao lùn nâu quá lớn để xếp vào nhóm hành tinh nhưng lại quá nhỏ để coi là sao. Giới nghiên cứu cho rằng sao lùn nâu hình thành tương tự sao thông thường nhưng không có lõi đủ đặc để thúc đẩy phản ứng nhiệt hạch.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ngoại hành tinh GJ433d, một hành tinh lạnh chưa được khám phá giống sao Hải Vương. GJ433 không nằm trong nhóm có thể ở được như GJ180d và GJ229Ac bởi nếu tồn tại, nước trên bề mặt hành tinh chắc chắn đóng băng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện những ngoại hành tinh mới bằng phương pháp vận tốc xuyên tâm. Họ sử dụng nhiều thiết bị tiên tiến để phát hiện dao động cực nhỏ trên quỹ đạo của ngôi sao do lực hấp dẫn của ngôi sao chủ và hành tinh quay quanh nó ảnh hưởng lẫn nhau.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất