NASA hoàn thành kính viễn vọng nhìn ngược quá khứ hơn 13 tỷ năm
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chế tạo xong James Webb, kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới dự kiến phóng vào năm 2018.
Kính viễn vọng không gian James Webb có khả năng nhìn ngược quá khứ 13,5 tỷ năm của vũ trụ đã hoàn thiện và sẵn sàng thử nghiệm, theo Christian Science Monitor. Kính James Webb (JWST) là bản kế nhiệm kính viễn vọng không gian Hubble, nhưng có thiết kế gương lớn hơn và mạnh hơn. Được lên kế hoạch phóng vào vũ trụ trong hai năm tới, chiếc kính này là thành quả của 20 năm làm việc sau nhiều lần trì hoãn và khó khăn về tài chính.
"Hôm nay, chúng tôi kỷ niệm ngày hoàn thành chiếc kính viễn vọng và sắp chứng minh nó hoạt động tốt", John Mather, nhà vật lý thiên văn kiêm khoa học gia cấp cao trong dự án JWST, phát biểu tại buổi họp báo hôm qua. "Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ suốt hai thập kỷ và đây là kết quả. Chúng tôi sắp mở ra một vùng đất hoàn toàn mới trong thiên văn học".
Kính viễn vọng James Webb được hoàn thiện tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, Mỹ. (Ảnh: Reuters).
Trong khi kính Hubble nổi tiếng với nhiều phát hiện quan trọng như tốc độ mở rộng của vũ trụ, JWST sẽ tiến xa hơn thông qua khám phá sự ra đời của những hành tinh, ngôi sao và thiên hà đầu tiên ra đời sau vụ nổ Big Bang cách đây hơn 13,5 tỷ năm với camera hồng ngoại siêu nhạy. Các quan sát của JWST không chỉ giúp giới nghiên cứu hiểu rõ nguồn gốc vũ trụ mà còn trợ giúp tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên hành tinh khác.
"Chúng tôi muốn biết liệu hành tinh khác ngoài kia có đủ nước để hình thành đại dương hay không, và chúng tôi tin rằng mình có thể làm được", tiến sĩ Mather nói.
Chiếc kính viễn vọng trị giá 8,8 tỷ USD trang bị mặt gương lớn gấp 2,7 lần Hubble và những cảm biến cực mạnh có thể phát hiện ánh sáng hồng ngoại yếu hơn 400 lần so với dải quan sát của các kính viễn vọng không gian hiện nay.
Trước khi phóng, JWST sẽ được thử nghiệm ở nhiều cơ sở khác nhau và dây chuyền lắp ráp cuối cùng ở California, Mỹ để đảm bảo chiếc kính có thể chịu được độ ồn và sự rung lắc trong quá trình cất cánh trên lưng tên lửa. Khác với Hubble, JWST sẽ không được sửa chữa sau khi bay lên quỹ đạo. Các nhà khoa học hy vọng nó có thể hoạt động trên quỹ đạo trong 10 năm.
JWST là kết quả hợp tác giữa NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Canada. Sau khi phóng, JWST sẽ hoạt động song song cùng với Hubble. "Sử dụng hai chiếc kính viễn vọng không gian cùng lúc thực sự mang hình ảnh toàn diện hơn về vũ trụ so với dùng một kính riêng rẽ", Ken Sembach ở Viện khoa học kính viễn vọng không gian (STS) nhận xét.