Phát hiện hàng trăm chiếc răng của khủng long săn mồi lớn nhất

Bộ sưu tập răng hóa thạch tại hệ thống sông Kem Kem củng cố giả thuyết cho rằng loài khủng long săn mồi lớn nhất có thể sống dưới nước.

Spinosaurus là chi khủng long săn mồi lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất khi có thể phát triển tới chiều dài 15 m và nặng 7 tấn. Chúng sinh sống tại Bắc Phi trong kỷ Phấn Trắng, cách đây khoảng 95 - 100 triệu năm. Trong một thời gian dài, các nhà khoa học từng cho rằng những kẻ săn mồi khổng lồ này là động vật sống hoàn toàn trên cạn.


Spinosaurus (phải) có kích thước lớn hơn cả khủng long bạo chúa (trái). (Ảnh: Sameer Prehistorica).

Cho đến tháng 4 năm nay, một nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Nizar Ibrahim từ Đại học Đại học Detroit Mercy của Mỹ dẫn đầu đã công bố một phát hiện đáng kinh ngạc khi tìm thấy chiếc đuôi hóa thạch gần như hoàn chỉnh - hoạt động như mái chèo - của một con Spinosaurus aegyptiacus tại hệ thống sông cổ Kem Kem ở biên giới giữa Morocco và Algeria, phía tây bắc sa mạc Sahara. Ibrahim cùng các cộng sự tin rằng Spinosaurus đã tiến hóa để thích nghi với cuộc sống bơi lặn.Phát hiện hàng trăm chiếc răng của khủng long săn mồi lớn nhất


Đồ họa mô phỏng một con Spinosaurus aegyptiacus săn mồi dưới nước. (Ảnh: Davide Bonadonna).

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Cretaceous Research hôm 21/9, các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Portsmouth của Anh đã tìm thấy thêm bằng chứng để củng cố giả thuyết này, sau khi phân tích hơn một nghìn chiếc răng hóa thạch khủng long được khai quật trong cùng khu vực.

"Răng của Spinosaurus rất dễ nhận dạng vì có mặt cắt tròn nhẵn và sáng lấp lánh khi đưa ra ánh sáng. Chúng tôi đã phân loại khoảng 1.200 chiếc răng được thu thập dưới đáy sông Kem Kem và phát hiện 45% trong số đó thuộc về Spinosaurus, chứng minh chi khủng long săn mồi này đã có mặt ở đó với số lượng lớn", nhà cổ sinh vật học David Martill từ Đại học Portsmouth giải thích.


Một số mẫu vật răng hóa thạch của Spinosaurus. (Ảnh: Science Direct).

Theo báo cáo, số lượng răng hóa thạch Spinosaurus được tìm thấy trên cạn chỉ bằng 1 - 5% số lượng mẫu vật được khai quật dưới đáy sông Kem Kem. "Một loài dành nhiều thời gian sống trong nước có nhiều khả năng để lại răng hóa thạch vào trầm tích sông hơn những loài chỉ ghé qua để uống nước hoặc kiếm ăn dọc theo bờ sông", Martill cho biết thêm.

Với số lượng hóa thạch phong phú được khai quật trong thời gian gần đây tại thành hệ địa chất Kem Kem, các nhà khoa học kết luận rằng Spinosaurus thực sự là một "quái vật sông". Chúng dành phần lớn thời gian sinh sống dưới nước và chết ở đó.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất