Phát hiện hành tinh chỉ mất 3,2 ngày quay quanh sao chủ
Các nhà thiên văn học tìm thấy một ngoại hành tinh kiểu "sao Mộc nóng" quay rất nhanh xung quanh một ngôi sao cách xa 725 năm ánh sáng.
Ngoại hành tinh được gọi là TOI-1789b nằm rất gần ngôi sao TOI-1789 già cỗi, chỉ cách 0.05 đơn vị thiên văn (AU), tương đương 1/10 khoảng cách từ Mặt trời tới sao Thủy, theo Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ.
Mô phỏng ngoại hành tinh TOI-1789b. (Ảnh: Sci-News)
Các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Vật lý (PRL) do Giáo sư Abhijit Chakraborty dẫn đầu đã dành ba tháng theo dõi TOI-1789b bằng máy quang phổ PARAS tại Đài thiên văn Abu ở bang Rajasthan, Ấn Độ và nhận thấy thiên thể chỉ mất 3,2 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo. Trong khi đó, sao Thủy mất 88 ngày để quay quanh Mặt trời.
TOI-1789b là một hành tinh khí khổng lồ giống sao Mộc, còn được gọi là "sao Mộc nóng". Do nằm rất gần sao chủ, nó có bề mặt bị đốt nóng tới 1.727°C và đang giãn nở.
Đó là lý do tại sao thiên thể có bán kính lớn gấp 1,4 lần sao Mộc dù cho khối lượng chỉ bằng 70%. Điều này khiến nó trở thành một trong những hành tinh có mật độ thấp nhất từng được biết đến, khoảng 0,31 g/m3. Để so sánh, sao Mộc có mật độ 1,33 g/cm³.
Ngôi sao TOI-1789, nặng gấp 1,5 lần Mặt trời, được cho là đang bước vào giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa. Khám phá này bởi vậy có ý nghĩa rất đặc biệt.
"Việc phát hiện một hệ thống như TOI-1789 sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các cơ chế thổi phồng của sao Mộc nóng, cũng như mang đến cơ hội nghiên cứu quá trình tiến hóa của các ngôi sao và hành tinh xoay quanh", Chakraborty chia sẻ.
Chi tiết nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Monthly Notices của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh.
- "Mệt bở hơi tai" mới bắt được linh dương đầu bò, nhưng linh cẩu vẫn ngậm ngùi nhìn sư tử cướp mồi
- Mua mèo về bắt chuột, nào ngờ thứ mà con vật săn được sau 1 đêm khiến chủ nhân suýt ngất
- "Vạn lý trường thành" bí ẩn hiện ra giữa thiên hà chứa Trái đất