Phát hiện "hành tinh khí" to gấp 464 lần Trái đất

Thợ săn thế giới ngoài hành tinh TESS của NASA tiếp tục phát hiện 2 hành tinh khổng lồ, nơi 1 năm chỉ dài từ 1,64 đến 3,7 ngày Trái đất.

TESS, tên gọi đầy đủ là Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh, "chiến binh" có nhiệm vụ tìm kiếm các thế giới xa xôi, nhất là các bản sao Trái đất, đã đưa vào bộ sưu tập của mình thêm 2 "thế giới địa ngục".

Bởi lẽ, 2 hành tinh nó vừa tìm thấy đều là những thế giới nóng bỏng và khắc nghiệt, thuộc dạng hành tinh khí giống sao Mộc của Hệ Mặt trời nhưng quay gần sao mẹ hơn nhiều lần so với sao Thủy.


Ảnh đồ họa của Sci-News mô tả một hành tinh khí khổng lồ dạng "sao Mộc nóng" bên cạnh sao mẹ.

Kết hợp với dữ liệu của một số kính viễn vọng mặt đất, nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi nhà thiên văn Allen Davis từ Đại học Yale (Mỹ) đã phác họa bức tranh toàn cảnh về 2 thế giới xa lạ.

Hành tinh thứ nhất tên TOI-564b, có kích thước tương tự sao Mộc nhưng khối lượng gấp 1,46 lần. Điều này có nghĩa, dù mang danh "hành tinh khí" chứ không phải hành tinh đá như Trái đất chúng ta, thiên thể này vẫn nặng hơn Trái đất tới 464 lần dẫu kích thước chỉ hơn khoảng 11 lần.

Nó quay quanh ngôi sao mẹ TOI-564, một sao lùn loại G đã 7,3 tỉ năm tuổi, nằm cách chúng ta 644 năm ánh sáng, với một vòng quay chỉ mất 1,65 ngày.

Hành tinh thứ 2 tên TOI-905b, cũng là một hành tinh khí nóng với kích thước khoảng 1,17 lần sao Mộc nhưng khối lượng chỉ 0.67 lần. So với Trái đất, nó to hơn 13 lần và nặng hơn 213 lần. Hành tinh này có 1 năm dài bằng 3,74 ngày Trái đất, với sao mẹ sao lùn loại G TOI-905, mới 3,4 tỉ năm tuổi và cách chúng ta 490 năm ánh sáng.

Trong khi TOI-905b có sự di chuyển ổn định quanh đĩa của sao mẹ, thì TOI-264b lại là một hành tinh bất ổn, cho thấy rất có thể quỹ đạo của nó còn bị tác động bởi một hành tinh khổng lồ khác đang ẩn nấp trong bóng tối phía xa ngôi sao mẹ.

Các phát hiện sẽ được công bố chi tiết trong số sắp tới của tạp chí khoa học Astronomical Journal.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất